Đổ tiền triệu làm đẹp cho con

06/10/2014 04:50

Con vài tháng tuổi đã bấm lỗ tai, 4 tuổi đã được làm tóc ở các cửa hàng có tiếng, sử dụng mỹ phẩm như 'quý cô' chính hiệu. Nhiều bố mẹ đang 'phát cuồng' làm đẹp cho con.

Thị trường các sản phẩm, dịch vụ thời trang dành cho trẻ em đang ngày càng ăn nên làm ra do nhiều bố mẹ ra sức trưng diện cho con. Bố mẹ thể hiện tình yêu con bằng cách không tiếc tay rút hầu bao mua từ quần áo, giày tất hàng hiệu đến nước hoa, kính râm, trang sức... cho các “thiên thần nhỏ”. Điều này vô tình đã tước mất sự hồn nhiên của trẻ và biến không ít bé thành “nạn nhân của thời trang”.

Bệnh “nghiện” làm đẹp cho con

Một nhân viên bán hàng ở siêu thị chuyên kinh doanh các mặt hàng cho trẻ em khu vực Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, có không ít gia đình đến mua sắm ở siêu thị này chi hàng chục triệu đồng đầu tư quần áo, phụ kiện cho các bé. “Nắm bắt nhu cầu khách hàng, gần đây siêu thị có thêm một quầy “phụ kiện” – chuyên bán kính râm, túi, ví, va ly, hộp đựng đồ trang sức... cho trẻ em. Quầy hàng này bán rất được” – cô nhân viên tên Thủy cho biết. Thủy cũng “bật mí”, danh sách các mặt hàng dành cho các “thượng đế” nhỏ tuổi ngày nối dài và mức độ “xa xỉ” ngày càng nâng cao. Giá trung bình một chiếc kính râm cho trẻ từ 650 ngàn đồng trở lên, một số mặt hàng nhập ngoại như nước hoa, bộ va ly hình thú cưng... có giá lên tới hàng triệu đồng.

Một diễn đàn chuyên về chủ đề chăm sóc trẻ em thu hút được ý kiến tham gia của rất nhiều bà mẹ khi đưa ra vấn đề: “Có nên nhuộm tóc cho trẻ?”. Một bà mẹ hỏi: “Con vào lớp 1 nhuộm được không các mẹ? Thích mấy món nhuộm nì (này – PV) lắm”. Một mẹ khác lại chia sẻ: “Tâm lý các mẹ có con gái là thích điệu cho con mà, nhưng có những cái cần kiềm chế”... Nhiều bà mẹ cho hay, con họ thấy bạn bè được nhuộm tóc trông sành điệu, cá tính nên cũng về đòi bố mẹ cho đi nhuộm, bố mẹ khó lòng có thể từ chối.

Chị Hạnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) là một tín đồ của những dịch vụ làm đẹp cho con. Để đầu tư nhan sắc cho cô con gái 4 tuổi, chị không tiếc tiền mua sắm cho con những sản phẩm làm đẹp xịn nhất, đưa con đi làm tóc ở các cửa hàng có tiếng, cho con sử dụng mỹ phẩm như một “quý cô” chính hiệu. Mỗi khi mua thêm một món đồ mới cho con, chị lại vui vẻ cho con diện ngay và tạo dáng, chụp ảnh để khoe trên Facebook. Quan điểm của bà mẹ này là: “Bố mẹ vất vả, bon chen mục đích là để kiếm tiền cho con cái có cuộc sống tốt hơn. Vậy nếu đã có tiền thì tội gì không cho con ăn diện?”.

Chị Phương, chủ một cửa hàng chuyên làm tóc ở khu vực Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết chị có khá nhiều khách hàng là các cô bé, cậu bé. “Bọn trẻ được bố mẹ đưa đến nhuộm tóc, uốn tóc, ép tóc tạo kiểu...

Nhiều người thì đưa con mới được vài tháng tuổi đến để bấm lỗ tai. Nói chung người lớn có các dịch vụ nào thì trẻ em cũng có dịch vụ tương tự. Tôi nhiều lần cũng tư vấn cho các bố, các mẹ là không nên uốn, nhuộm tóc cho các con quá sớm, vì như thế trông bọn trẻ già hơn tuổi, mất đi vẻ hồn nhiên. Nhưng khách hàng không nghe nên mình cũng phải chiều theo thôi” – chị Phương cho hay.

Suýt chết đói vì “muốn làm nam vương”

Bé Thu Hà (SN 2004) dù mới vào lớp 5 nhưng đã khiến các thầy cô giáo giật mình vì phong cách “già trước tuổi” của mình. Trước khi bắt đầu năm học mới, cô bé đòi bố mẹ ép tóc (trước đó tóc của em được uốn xoăn, nhuộm high light rất thời trang). Trong giờ thể dục, Thu Hà thường lấy lý do bị đau bụng để không phải tham gia các môn tập ngoài trời, nhưng thực ra nguyên nhân chính (mà cô bé tâm sự với các  bạn cùng lớp) là do không muốn bị đen da. Cô giáo chủ nhiệm của Hà đã trao đổi với bố mẹ cô bé vì có dấu hiệu quan tâm quá nhiều đến hình thức, chểnh mảng việc học hành.

Không chỉ các bé gái mà ngay cả các bé trai cũng được bố mẹ “đầu tư” thái quá về hình thức. Đầu tháng 10/2014, bé Duy Anh, 7 tuổi, “cậu ấm” của một gia đình thuộc diện có điều kiện ở khu Linh Đàm (Hà Nội) vừa phải nhập viện cấp cứu vì tụt huyết áp do đói lả. Sau khi được cấp cứu kịp thời, cậu bé thỏ thẻ: “Vì cháu muốn làm nam vương”. Hóa ra cậu đã giấu bố mẹ không ăn sáng, tiếp đó đến bữa trưa dành cho trẻ học bán trú ở trường Duy Anh cũng bỏ cơm để... có hình thể đẹp. Duy Anh vốn được bố mẹ đầu tư chăm sóc đến hình thức từ bé, bố mẹ cậu cùng làm việc trong lĩnh vực biểu diễn nên rất hãnh diện khi con trai được mọi người khen là đẹp trai, sành điệu, “manly”... Nhưng sau khi cậu con suýt chết hụt vì nhịn ăn, cặp vợ chồng này cũng phải nhìn nhận lại về cách chăm chút con của mình.

Ngày càng nhiều trẻ trở thành nạn nhân của xu hướng phụ huynh chú ý chăm sóc đến hình thức của con thái quá. Dược sĩ Đỗ Văn Phú (Công ty TNHH Phú Minh – Hà Nội) cảnh báo: “Hiện nay các vị phụ huynh đang sử dụng hóa mỹ phẩm cho trẻ rất vô tội vạ. Da trẻ em vốn dĩ mỏng và dễ kích ứng, vì vậy việc sử dụng son, phấn, sơn móng tay, keo xịt tóc, hóa chất nhuộm, uốn tóc... phải hết sức thận trọng. Các nhà sản xuất hóa mỹ phẩm thường không công bố hết các thành phần hương liệu tạo mùi trong sản phẩm, vì đó là bí mật kinh doanh. Vì vậy phụ huynh chỉ nên chọn các sản phẩm hóa mỹ phẩm dành riêng cho trẻ, đặc biệt tránh các loại có mùi hương đậm. Lạm dụng các loại hóa mỹ phẩm này có thể gây chứng rối loạn nội tiết, dị ứng da cấp – mãn tính, dị ứng hô hấp... Sử dụng trong thời gian dài, các loại hóa chất thẩm thấu qua da có thể là nguồn gốc gây bệnh ung thư”.

Những lưu ý khi sử dụng hóa mỹ phẩm và trang sức cho bé

- Sử dụng hóa mỹ phẩm: Khi mua xà phòng, dầu gội, nước hoa, nước xả vải... cho bé, cha mẹ nên chọn loại dành riêng cho bé, không mùi càng tốt, để tránh gây độc tính.

- Trang điểm: Trẻ em vốn đã có làn da mịn màng và hồng hào tự nhiên, vì vậy không cần thiết phải trang điểm cho bé.

- Làm tóc: Trẻ nhỏ có tóc tơ còn yếu, da đầu mỏng, cha mẹ không nên can thiệp vào tóc bé quá sớm bằng việc uốn, nối, nhuộm tóc... Khi lạm dụng các loại thuốc nhuộm, hóa chất uốn tóc sẽ khiến bé mắc phải các bệnh như nấm tóc, rụng tóc, không mọc được tóc. Hóa chất từ thuốc nhuộm thấm qua da đầu còn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

- Đeo trang sức: Một số loại trang sức làm từ đồng, inox, hay thậm chí vàng, bạc... cũng không đảm bảo các quy định về hàm lượng chì, Cadmium. Khi đeo trang sức, trẻ dễ nhiễm các kim loại độc hại này, đặc biệt là khi trang sức bị gãy hoặc trẻ vô tình cho vào miệng ngậm. Nếu như chì gây độc hại cho người khi tiếp xúc với mật độ cao thì Cadmium còn độc hơn nhiều ngay cả với một lượng nhỏ, gây ra các bệnh ở thận, xương và gan. Kim loại này còn được biết đến với biệt danh “chất sinh ung thư”. 

Thanh Thư (Pháp luật Việt Nam)- Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài