3 cách cha mẹ nên làm giúp trẻ mở rộng tư duy, quản lý cảm xúc tốt

07/03/2023 11:51

Khi trẻ khó chịu về một vấn đề gì đó, con thường cáu giận, khóc la hét, ném đồ... Những lúc này cha mẹ cần làm gì để trẻ quản lý cảm xúc tốt, mở rộng tư duy?

Trẻ rất dễ sử dụng cảm xúc (VD như giận dỗi) hoặc đập đầu vào gối hoặc khóc la hét, ăn vạ để giải quyết vấn đề, để vòi vĩnh hay để làm nũng... "Sao con mè nheo, con hay khóc thế nhỉ, con chẳng ngoan chút nào cả" - đó là một trong những câu cha mẹ thường thốt lên khi không dỗ dành được trẻ.

Theo chuyên gia Anh Nguyễn - Phó Tổng Biên tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard, trẻ con không hề có lỗi trong việc này, Bởi người lớn chúng ta thường không chú ý đến dạy con những cách khác để giải quyết vấn đề của riêng bé.

"Trong một bài viết trước đây, tôi có đề cập đến 1 thí nghiệm thú vị từ Đại học Harvard về khả năng nhận thức sớm trong suy nghĩ của trẻ nhỏ ngay từ 15-18 tháng tuổi. Nếu cha mẹ nghĩ rằng trẻ nhỏ quá không biết gì, thì đây là một suy nghĩ đã lạc hậu.

Trẻ con có thể đọc cảm xúc của bạn tốt từ 10 tháng tuổi và bắt đầu suy nghĩ về tình huống từ 15 tháng tuổi. Hãy dạy con cách suy nghĩ sớm nhất để trẻ học cách giải quyết tình huống một cách tích cực hơn" - vị chuyên gia cho hay.

3 cách cha mẹ nên làm giúp trẻ quản lý cảm xúc tốt, mở rộng tư duy - Ảnh 1.

3 cách cha mẹ nên làm để trẻ quản lý cảm xúc tốt, mở rộng tư duy

1. Trẻ con học từ trải nghiệm, không có đúng sai, chỉ là trải nghiệm

Khái niệm trải nghiệm có thể hiểu là những hoạt động mà trẻ đã trải qua. Đúng như vậy, nhưng chúng ta cần hiểu sâu hơn. Đó là những hoạt động trẻ đích thân nhận ra vấn đề và giải quyết. Khái niệm khá trừu tượng. Đây là 1 số ví dụ để chúng ta dễ hình dung như thế nào là "chính bản thân trẻ".

VD1: Trẻ dưới 2 tuổi thường hay khóc và thức đêm. Đây là 1 trải nghiệm của trẻ. Dĩ nhiên, chúng ta loại bỏ yếu tố trẻ đang có 1 vấn đề bệnh lý nào đó. Trẻ trải nghiệm có thể là do trẻ đói cần bú hoặc chỉ đơn giản cần mẹ không cần thiết bú. Đầu tiên, hãy để trẻ nhận ra trải nghiệm này bằng cách đừng bế trẻ lên liền để ru ngủ lại. Hãy để trẻ nằm ngay trên giường, bạn có thể vỗ lưng trẻ. Một số trẻ chỉ cần lăn qua lăn lại rồi ngủ, một số trẻ cần nhiều nỗ lực hơn. Nếu cần cho trẻ bú, hãy cho trẻ tự nỗ lực tìm ti và cho bú tại chỗ, không nên di chuyển 1 nơi khác.

VD2: Trẻ không hài lòng thường đập đầu vào gối. Hành vi này không phải "cách gây áp lực" mà chúng ta hay nghĩ. Đơn giản là thể hiện một sự "rối bời" trong tìm cách giải quyết của trẻ. Cha mẹ bình tĩnh, giữ con lại bằng hai tay để cho trẻ lấy lại sự chú ý - tín hiệu này cho bé biết bạn đang lắng nghe. Hãy hỏi con bằng những câu hỏi để giúp trẻ diễn đạt vấn đề rõ hơn. Có những câu hỏi cần câu trả lời của trẻ, nhưng có những câu hỏi chỉ cần mang tính dẫn dắt để trẻ mở rộng diễn đạt. Khi con bình tĩnh, hãy cho trẻ biết việc đập đầu vào gối là không cần thiết. Khi cần con hãy nắm tay mẹ, mẹ sẽ trả lời con. Bạn đừng nghĩ trẻ 12 tháng tuổi không hiểu gì khi bạn áp dụng những điều này. Đúng là, trẻ chưa có ngôn ngữ để trả lời câu hỏi của bạn, nhưng chúng sẽ dùng những cử chỉ, ánh mắt hoặc ngôn ngữ riêng để cho bạn biết. Đó là cách mà trẻ học cách nhận ra trải nghiệm và cách để giải quyết vấn đề.

3 cách cha mẹ nên làm giúp trẻ quản lý cảm xúc tốt, mở rộng tư duy - Ảnh 2.

2. Luôn cho trẻ có ý kiến, không có ý sai hay đúng, chỉ là ý kiến để thảo luận

Làm cách nào để trẻ bớt đòi mua đồ chơi? Tôi vẫn khuyên cha mẹ: Hãy cho trẻ quyết định mua cái gì và không mua cái gì? Như thế trẻ sẽ chỉ đòi mua khi suy nghĩ thật kỹ. Tại sao? Bởi vì trẻ đòi mua món đồ nào là do trẻ thích, trẻ muốn cái mới mà chưa thật sự bỏ công suy nghĩ: "Mua nó làm gì". Nếu bạn cho trẻ lựa chọn, trẻ bắt đầu lôi 1 danh sách cái này, cái kia và cũng bắt đầu suy tính. Do đó, sự cân nhắc sẽ bắt đầu hình thành.

Khi có sự cân nhắc thì trẻ sẽ không vội đưa ra quyết định nếu chưa suy nghĩ kỹ.

3. Tranh luận với trẻ, không có ý kiến sai hay đúng, chỉ là cách mở rộng vấn đề

Tranh luận không phải là cách chúng ta dùng sự la hét, ép buộc trẻ phải đồng ý với ý kiến của bạn. Tranh luận là giúp trẻ có ý kiến phản biện. Tranh luận rất dễ làm bạn có suy nghĩ tiêu cực, do đó, nên chú ý bình tĩnh và lắng nghe con bằng trái tim. Trẻ nhỏ có thể cho rằng: Chiếc lá màu đỏ (khái niệm nghe có vẻ sai về sinh học, nhưng thực tế vẫn có những chiếc lá màu này biết đâu bé đã nhìn thấy). Do đó, tranh luận là cách giúp trẻ nhận ra sự kết nối các sự thật (fact) để đưa vào nhận định riêng của trẻ (opinion). Ai cho bạn 1 opinion, điều này có thể đúng hay sai, nhưng opinion này sẽ có giá trị sử dụng nếu nó là sự kết nối các sự thật/bằng chứng (fact/evidence). Đó là nguyên lý cơ bản của sự tư duy.

Ttvn.toquoc.vn

Nguồn: https://ttvn.toquoc.vn/3-cach-cha-me-nen-lam-giup-tre-mo-rong-tu-duy-quan-ly-cam-xuc-tot-20230307083.. Nguồn: https://ttvn.toquoc.vn/3-cach-cha-me-nen-lam-giup-tre-mo-rong-tu-duy-quan-ly-cam-xuc-tot-20230307083123884.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”