Ăn “trái đắng” vì tin nhầm chủ đầu tư

29/05/2013 08:15

Tại thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội có tới gần 200 dự án nhà ở chưa triển khai, hơn 200 dự án ngừng thi công và hơn 100 dự án có tốc độ “rùa bò”.

Những người góp vốn mua căn hộ chung cư để ở, những chủ đầu tư thứ cấp... như “ngồi trên đống lửa”. Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết những khách hàng góp vốn mua căn hộ chung cư đều lâm vào thế yếu khi có tranh chấp. Trong lúc thị trường bất động sản đang sôi động, phải khó khăn lắm mới có một suất góp vốn để mua căn hộ với chủ đầu tư. Những người ở Hà Nội đã từng chứng kiến “cơn sốt” căn hộ Nam Cường năm 2009-2010. Người ta xếp hàng dài để mua căn hộ chung cư từ nửa đêm, có người đặt gạch nhận chỗ như mua gạo, thịt thời bao cấp. Vì thế hàng ngàn khách hàng bị “lừa đẹp” khi đổ vốn vào mua căn hộ của những chủ đầu tư không có uy tín.

Đơn cử như trường hợp hàng khách hàng nộp tiền mua căn hộ chung cư tại dự án U-Silk City do Công ty cổ phần Sông Đà- Thăng Long làm chủ đầu tư. Vào cuối năm 2011, công ty này hành thi công rầm rộ dự án U-Silk City với nhiều “chiêu” PR, quảng cáo rầm rộ. Khách hàng bị “nhử” bởi  nộp 100% giá trị hợp đồng, được khuyến mãi từ 20m2 sàn thuộc tầng kinh doanh. Đã có ít nhất khoảng 200 khách hàng mắc vào chiêu khuyến mãi đó. Theo cam kết tại Hợp đồng mua bán giữa khách hàng và chủ đầu tư được ký kết từ năm 2009 và 2010, dự án U-Silk City bao gồm 13 tòa nhà cao tầng, với tiến độ hoàn thiện và bàn giao tòa nhà 101, 102, 103 từ tháng 3/2012. Các tòa nhà còn lại bắt đầu bàn giao từ tháng 6/2013. Trong Báo cáo của Sông Đà- Thăng Long ngày 21/7/2012 cho thấy, Sông Đà -Thăng Long đã thu của khách hàng khoảng 4.050 tỷ đồng, tương đương với 50% giá trị tổng dự án. Cho đến nay công trình này đã hoàn toàn dừng thi công, hậu quả là  hơn 3.000 khách hàng đang trong tình trạng “dở sống, dở chết”.

Không những thế, một số chủ đầu tư thảo hợp đồng mua bán suất căn hộ dưới danh nghĩa hợp đồng vay tiền hoặc hợp đồng đặt cọc, ngoài khoản tiền khách hàng nộp cho chủ đầu tư (hoặc đơn vị phân phối nhà) ghi trong hợp đồng, họ còn phải nộp một khoản tiền chênh lớn ngoài giấy tờ. Đơn cử như trường hợp Trần Văn H, Từ Liêm, Hà Nội; chị Nguyễn Ngọc Ánh, Thái Nguyên, đã đóng tiền mua căn hộ chung cư của Công ty AZ Land kèm theo đơn đăng ký quyền ưu tiên mua căn hộ CT1 Vân Canh. Nhưng cho đến nay, nhiều năm đã trôi qua nhưng nhà còn trên giấy và đương nhiên, khách hàng không thể đòi lại tiền.

Trường hợp khác là anh Nguyễn Văn T mua dưới hình thức vay vốn của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và thương mại Hạ Long để được hưởng quyền mua căn hộ tại chung cư Hesco Văn Quán. Hợp đồng quy định: “Mục đích sử dụng vốn vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh theo hợp đồng ký với Công ty cổ phần Bất động sản Megastar. Số vốn vay là 432.540.000 đồng (tương ứng với 30% giá trị căn hộ hình thành trong tương lai). Theo hợp đồng, “khi sản phẩm của dự án Megastar Văn Quán do Công ty Megastar xây xong hạng mục móng, hai bên sẽ thanh lý hợp đồng vay vốn và ký hợp đồng mua bán căn hộ. Bên A (người mua) sẽ được quyền ưu tiên mua một căn hộ 89m2 thuộc tòa nhà 45 tầng”. Dự kiến, công trình sẽ xây xong phần thân vào quý 4/ 2012, hoàn thiện và bàn giao nhà quý 2/2013. Cho đến nay căn hộ không thấy đâu, đến chủ đầu tư đòi tiền, nhưng cũng chỉ nhận được những lời khất nợ của nhân viên công ty này.

Tại dự án chung cư 409 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội do Cty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng và Cty Cổ phần Megastar làm chủ đầu tư bị hàng chục khách hàng tố có dấu hiệu lừa đảo. Cụ thể, đầu năm 2011, dự án xây dựng khu nhà ở cao tầng, thấp tầng kết hợp văn phòng và dịch vụ tại 409 Lĩnh Nam được quảng cáo rầm rộ trên trang web của chủ đầu tư với giá ưu đãi, vị trí đẹp, thời gian nhận nhà sớm…Rất nhiều khách hàng đã ký hợp đồng cho vay tài sản để được quyền mua căn hộ “giá ưu tiên” của dự án này. Cho đến nay sau 2 năm kể từ ngày góp vốn, khách hàng mới tá hỏa vì mua “vịt giời của Cuội”. Một khách hàng cho biết, ngày 10/1/2011,  ký hợp đồng với Cty TNHH Kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, phía Cty cũng ký cam kết về việc ký hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai. Khách hàng này đã đóng tiền đợt 1 là hơn 440 triệu đồng, tương đương với 30% giá trị căn hộ trong tương lai của đơn nguyên 35 tầng. Tuy nhiên, cho đến nay công trình này vẫn chưa được cấp phép xây dựng. Bị đình chỉ thi công, phần xây thô của công trình nhanh chóng xuống cấp, xập xệ. Hàng chục khách hàng với băng rôn, biểu ngữ đến đòi lại tiền, chủ đầu tư trả lời là tiền đã đầu tư hết vào công trình...

Theo quy định của pháp luật, góp vốn để được quyền mua căn hộ, hay nộp 100% giá trị căn hộ để được khuyến mại là giao dịch dân sự, nếu người mua nhà không chứng minh được hành vi chủ đầu tư lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tùng Lâm

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'