Chuyện gì đã xảy ra ở Vũ Hán?
Cách phản ứng đối với đại dịch của giới chức thành phố 11 triệu dân được cho là nguồn cơn làm bùng phát sự lây lan virus, theo kết quả điều tra kéo dài 6 tháng của Financial Times.
Gần một năm sau khi các bác sĩ xác định các ca mắc Covid-19 đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nhiều ẩn số về đại dịch đang khiến cả thế giới chao đảo vẫn chưa có lời giải. Tính đến ngày 30/11, thế giới ghi nhận 63.044.066 ca nhiễm và 1.464.724 người đã tử vong do Covid-19, theo Worldometers.
Chính phủ Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 3/1 rằng một “loại bệnh viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân” được phát hiện ở Vũ Hán.
Trong ba tuần đầu tiên của tháng 1, giới chức y tế Trung Quốc cho biết chỉ vài chục trường hợp được xác nhận dương tính với chủng virus mới, đồng thời khẳng định nguy cơ lây lan mạnh là rất thấp.
Vũ Hán là nơi bùng phát virus corona đầu tiên ở Trung Quốc. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, ngay từ cuối tháng 12/2019, một người đàn ông 33 tuổi tên Gao Fei sống gần Vũ Hán đã đọc được nhiều lời trao đổi và suy đoán trên Twitter về nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc.
Khi rời Quảng Đông để trở về quê nhà cách Vũ Hán khoảng 120 km vào ngày 21/1, ông Gao ngạc nhiên khi thấy cuộc sống nơi đây vẫn bình thường và không có bất kỳ biện pháp đảm bảo an toàn nào được áp dụng.
Một số người dân Hồ Bắc nhận thức được nguy cơ bùng phát dịch từ sớm thông qua mạng xã hội.
Ảnh: Reuters.
“Các nhà chức trách địa phương cho biết cần phải chờ chỉ thị từ cấp cao hơn. Tôi hoàn toàn bất ngờ vì vào thời điểm diễn biến dịch ở Vũ Hán vượt tầm kiểm soát, tình hình ở một thành phố cách đó không xa lại hoàn toàn bình thường như thể không có bất kỳ mối đe dọa nào”, ông Gao nói với tờ Financial Times.
Trung Quốc và WHO
Theo tờ Financial Times, sự phản ứng chậm chạp và chủ quan của giới chức Vũ Hán là nguyên nhân khiến ảnh hưởng của dịch bệnh đã đi quá xa, đồng thời tàn phá nhiều nền kinh tế ở quy mô chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930.
Vào ngày 13/1, trường hợp đầu tiên mắc Covid-19 bên ngoài biên giới Trung Quốc được ghi nhận, cho thấy sự phát tán của virus corona từ Vũ Hán đến Bangkok, Thái Lan.
Một ngày sau, các quan chức y tế hàng đầu của quốc gia tỷ dân đã triệu tập một cuộc họp khẩn bí mật tại Bắc Kinh. Tại đây, giới chức Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại về khả năng lây nhiễm với tốc độ chóng mặt của chủng virus mới.
Chính phủ Trung Quốc từng tổ chức họp kín để thảo luận về nguy cơ bùng dịch tại Vũ Hán.
Ảnh: Reuters.
Vài ngày sau đó, chính phủ Nhật Bản công khai bày tỏ sự nghi vấn đối với số ca dương tính với Covid-19 mà chính quyền Trung Quốc báo cáo.
Cụ thể, Tokyo cho rằng “lượng người nhiễm virus ở Vũ Hán tính đến giữa tháng 1 chỉ dừng ở mức vài chục ca là hết sức vô lý”.
Theo nghiên cứu công bố bởi các nhà dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London, phải có ít nhất 4.000 ca mắc Covid-19 ở Vũ Hán thì sự lây lan của virus mới vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc và WHO cũng được cho là đã không công khai mức độ nghiêm trọng của đại dịch và khả năng lan truyền nhanh chóng của mầm bệnh.
Cụ thể, khi phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 14/1, quan chức cấp cao của WHO Maria Van Kerkhove tuyên bố phát hiện “sự lây lan virus giữa người với người ở mức độ hạn chế” tại Vũ Hán.
Bà Maria Van Kerkhove thuộc WHO. Ảnh: Getty.
Trong buổi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 28/1 tại Bắc Kinh, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi “thái độ chống dịch nghiêm túc của Trung Quốc, đặc biệt là sự cam kết mạnh mẽ từ giới chức nước này, sự minh bạch trong việc kê khai số liệu và sẵn lòng chia sẻ thông tin bộ gen của chủng virus nguy hiểm”.
Chuyên gia y tế công tại Đại học Toronto đồng thời là tư vấn viên của WHO Ross Upshur lưu ý rằng Trung Quốc từ lâu vẫn luôn có những tác động đáng kể về mặt chính trị đối với WHO.
Ông Upshur cho rằng mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ngưng tài trợ cho WHO.
Chuyên gia Ross Upshur thuộc Đại học Toronto. Ảnh: CBC.
Lời giải thích của Trung Quốc
Tính đến trước ngày 20/1, Trung Quốc vẫn kiên định trong việc phủ nhận mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch bệnh.
Các nhà chức trách của quốc gia tỷ dân lập luận rằng họ phải đối mặt với “một tình huống vô cùng phức tạp trong hoàn cảnh hết sức mơ hồ”, theo Financial Times.
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Dale Fisher tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore đồng tình với quan điểm này.
“Cần lưu ý rằng đây là một loại virus mới, việc không thể khống chế được tình hình là chuyện bình thường. Không ai muốn làm người dân trở nên hoảng sợ cho đến khi kết quả chẩn đoán thực sự đáng tin”, bác sĩ Fisher nói.
Theo giáo sư Wang Linfa thuộc Trường Y Duke-NUS, người tình cờ có mặt tại Vũ Hán từ ngày 14/1, thời điểm đó người dân ở đây hầu như không đeo khẩu trang, thủ tục đo thân nhiệt cũng không được tiến hành.
Nhưng chỉ 4 ngày sau, giới chức y tế sở tại đã triển khai các biện pháp chống dịch. “Họ kiểm tra thân nhiệt rất nghiêm ngặt, có rất nhiều camera được lắp đặt và nhân viên an ninh mặc đầy đủ đồ bảo hộ y tế”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Singapore kể lại.
Giáo sư Wang Linfa thuộc Trường Y Duke-NUS. Ảnh: Straits Times.
Bên trong Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán
Ba tuần trước khi chính quyền Trung Quốc công khai thừa nhận sự lây lan của chủng virus chết người trên diện rộng, các bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đã nhận thấy nguy cơ về một đợt bùng phát dịch tại thành phố của họ.
Ngày 29/12/2019, bác sĩ Yin Wei tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán nhận được báo cáo về bốn trường hợp có các triệu chứng viêm phổi do virus. Cả bốn bệnh nhân đều đến từ một chợ hải sản địa phương.
Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán ghi nhận 4 trường hợp Covid-19 đầu tiên từ ngày 29/12/2019. Ảnh: Sputnik.
Khi liên hệ quan chức y tế thành phố là ông Wang Wenyong, “ông ấy trả lời rằng đã nhận được những báo cáo tương tự từ một số bệnh viện, hiện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán chưa xác định được nguyên nhân căn bệnh dù đã tiến hành nhiều xét nghiệm”, bác sĩ Yin kể lại.
Sau nhiều lần yêu cầu và khoảng thời gian chờ đợi kéo 7 ngày, các bác sĩ tại Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán mới được phép ghi lại các trường hợp viêm phổi lạ vào phiếu báo cáo bệnh truyền nhiễm (IRDC), một hệ thống thông tin trực tuyến được chia sẻ bởi các cơ quan y tế địa phương và quốc gia.
Ông Wang, quan chức y tế được bác sĩ Yin nhiều lần nhắc tên, khẳng định: “Bệnh viện Trung tâm Vũ Hán đang tìm cách đổ lỗi cho tôi. Tôi không làm gì sai. Họ không tuân theo các tiêu chuẩn do ủy ban y tế địa phương thiết lập. Đây là quyết định của tập thể, không phải riêng tôi”.
Nguồn: https://zingnews.vn/chuyen-gi-da-xay-ra-o-vu-han-post1147876.html..
Tin Sao
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'