Có nên bỏ SEA Games?
Câu trả lời của chúng ta chắc chắn là không, nhưng TTVN sẽ cần phải bỏ những môn có tính chất “hội làng”, dành tiền đầu tư cho những môn trọng điểm của Olympic.
Để làm được điều này, những nhà quản lý thể thao nước nhà buộc phải nói không với bệnh thành tích. Đó là điều không dễ làm, nhưng muốn TTVN đi lên, chúng ta không còn con đường nào khác.
SEA Games không thể bỏ…
Nhiều ý kiến cho rằng, vì sao chúng ta không bỏ sân chơi SEA Games để dành sự tập trung cho đấu trường lớn hơn là Asiad hay Olympic. Thực tế, đây là một cách nghĩ không hề đúng đắn, bởi dù chỉ là sân chơi “ao làng”, nhưng cũng từ đó TTVN mới có vị thế như ngày hôm nay trên bản đồ thế giới. SEA Games luôn có nhiều những môn chẳng giống ai, nhưng cũng luôn đưa vào phần lớn các môn trong hệ thống Olympic.
Nhìn ở kỳ SEA Games 27, TTVN gặp nhiều khó khăn khi phải đối đầu với các đối thủ khu vực, cho thấy khoảng cách của chúng với thế giới vẫn còn quá xa. Nói cách khác, việc tranh chấp HCV ở SEA Games cũng đã toát mồ hôi rồi, chứ vươn tới tầm châu lục hay Olympic chắc còn lâu mới làm được.
Ngoài vấn đề chuyên môn, là bước đệm để chuẩn bị cho các sân chơi lớn hơn, SEA Games còn mang ý nghĩa quan trọng khác. SEA Games không chỉ đóng vai trò thể thao đơn thuần, mà còn là cầu nối giúp Việt Nam thắt chặt thêm tình hữu nghị với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Với nhiều VĐV, SEA Games là đấu trường vừa sức để họ có thể giành thành tích, có chút tiền thưởng mang về sau 1 năm vất vả tập luyện.
Như vậy, SEA Games vẫn rất quan trọng trong chu kỳ tham dự các giải đấu quốc tế của TTVN. Tuy nhiên, với rất nhiều bài học trong quá khứ, nếu chúng ta không có sự điều chỉnh, e rằng TTVN sẽ mãi tụt lùi, không thể khá lên được.
Việc đầu tư dàn trải hơn 30 môn cho thấy sự lãng phí và không hiệu quả. Những môn có tính chất đặc thù của khu vực như: bi sắt, đua thuyền truyền thống, Muay, dù lượn, đánh bài…nên cần phải xem lại cách đầu tư. Thậm chí nhiều môn có trong hệ thống Asiad như cầu mây, bóng bàn, bóng chuyền, quần vợt…nhưng TTVN nhiều năm qua hoàn toàn không có cửa tranh chấp huy chương, cũng cần phải có sự điều chỉnh.
TTVN không thiếu mũi nhọn, nhưng những mũi nhọn ấy chúng ta không mài thật sắc. Để rồi kỳ SEA Games nào chúng ta cũng tham dự gần như đủ các môn, luôn giữ vị trí trong tốp 3 toàn đoàn. Song, cứ nhìn vào thành tích tại SEA Games năm nay với 73 HCV, liệu có môn nào tự tin khẳng định sẽ có vàng ở kỳ Asiad sắp tới?
SEA Games ngoài mục đích tranh tài ở những môn Olympic, cũng là cơ hội để các VĐV trẻ cọ xát. Cách tham dự này có thể sẽ khiến đoàn TTVN mất đi vị trí tốp 3 quen thuộc, nhưng chúng ta sẽ đầu tư tốt hơn cho những môn Asiad, Olympic. Làm được điều này, TTVN phải loại bỏ được căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong tiềm thức suốt bao năm qua.
Hãy cứ nhìn Thái Lan, với việc đầu tư đặc biệt cho các môn Olympic, quốc gia này gần như thống trị ở mỗi kỳ SEA Games và ít khi phải rơi vào cảnh khóc tức tưởi vì bị chủ nhà xử ép ở những môn chấm điểm cảm tính.
Thoát khỏi “ao làng”: Dễ mà khó!
Đấu trường SEA Games sẽ không còn là “ao làng” nếu như tất cả các thành viên trong khu vực ĐNA cùng đồng lòng thay đổi. “Như chúng ta đã biết, đấu trường SEA Games dần dần bị “mất giá” bởi những toan tính chưa thật fair – play ở một số bộ môn, đặc biệt là các nội dung võ thuật dựa khá nhiều vào cảm tính. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, SEA Games sẽ không còn là sân chơi hấp dẫn như trước đây nữa. Chính vì thế, mới đây, Hội đồng thể thao ĐNA đã đưa ra những chiến lược phát triển trong tương lai của Đại hội này với định hướng nâng cao giá trị thành tích các môn Olympic”, một quan chức đoàn TTVN cho biết.
Sự thay đổi chung của SEA Games là vậy, còn với riêng đoàn TTVN, chúng ta không đầu tư dàn trải ở sân chơi SEA Games để tập trung cho các môn trọng điểm Olympic chỉ là một trong những cách làm giúp TTVN phát triển. Tuy nhiên, với hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực thể thao, cái gốc của vấn đề, chính là sự đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, tới nơi tới chốn nay tư khâu tuyển chọn, huấn luyện VĐV.
Trong một chiến lược dài hơi, việc phát triển từ cấp cơ sở là điều rất quan trọng nhưng nó đang bị ngành thể thao không chú ý tới, hoặc có chú ý nhưng chưa thể nâng tầm nó lên. Đơn cử như việc có 1 VĐV thành tích cao, đòi hỏi VĐV đó phải được chăm lo từ khi còn học trong nhà trường. Thế nhưng theo một khảo sát mới đây, bình quân đầu người trên số m2 tập luyện thể thao trong nhà trường (sân bãi, bể bơi...) chỉ là 2m2, trong khi các nước phát triển như Đức, Pháp yêu cầu bắt buộc là trên 11m2.
Trong khi đó, ở một góc độ phát triển khác, việc từ nay đến năm 2020 có quá nhiều dự định đăng cai các đại hội lớn của nước chủ nhà như Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016, SEA Games 2017, Olympic trẻ, Asian Games 18 và hàng chục các giải đấu lớn khác. Đây sẽ là bài toán không đơn giản bởi Việt Nam sẽ bị cuốn vào công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, kế hoạch tổ chức…nếu không khó kịp tiến độ. Đó là chưa kể, lực lượng đỉnh cao hiện nay còn quá mỏng, thiếu lớp kế cận trầm trọng; mức độ đầu tư, tập huấn, thi đấu cọ xát còn nhiều hạn chế do kinh phí hạn hẹp...
Nhìn chung, làm sao để TTVN lên tới tầm châu lục và thế giới thì ai cũng có thể nói rất hay, nhưng bắt tay vào hành động lại vô cùng khó.
Dễ mà khó là vì thế!
Tin Sao
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu