Cúng Giao thừa 2022: Những lưu ý quan trọng từ chuyên gia mà gia chủ nên biết

31/01/2022 10:47

Chuyên gia lưu ý, lễ cúng Giao thừa cần hoàn thành trước 1 giờ ngày mùng 1 Tết.

Bày gà trên mâm cúng Giao thừa sao cho đúng?

Để chuẩn bị cho nghi thức cúng Giao thừa, các gia đình thường chuẩn bị hai mâm cỗ, đặt ở bàn thờ gia tiên và ở ngoài cửa chính. Các chuyên gia nêu, cần cúng Giao thừa ngoài trời trước, sau đó mới tiến hành trong nhà.

Mâm cỗ mỗi vùng có đôi chút sự khác nhau, song thường gồm các đồ cơ bản như: Gà trống luộc (hoặc thủ lợn luộc), bánh chưng, giò, xôi, mứt kẹo, đèn nến, hương hoa, vàng mã, trầu cau, nước, rượu, đĩa gạo, đĩa muối...

TS. Trần Hữu Sơn (Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng) từng chia sẻ trên tờ Dân trí, các món để cúng không cần quá cầu kỳ, nhưng cần phải sạch. Không thể thiếu một con gà trống luộc.

Ông lý giải với nguồn trên: "Trong huyền thoại, gà trống là con vật có thể gọi mặt trời lên. Trong khoảnh khắc quan trọng để chuyển giao năm cũ và năm mới, tiếng gà gáy cũng trở nên thiêng liêng, có ý nghĩa làm bừng lên ánh dương, mang đến sinh khí".

Ngoài ra, theo TS Sơn, khi bày biện gà thì tốt nhất nên giữ nguyên các bộ phận của gà, bao gồm cả nội tạng và hai hòn ngọc. Có gia đình cắm thêm bông hồng vào miệng gà với hy vọng năm mới nhiều may mắn.

Còn chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà chia sẻ với báo giới, khi bày mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời, gà trống bao giờ cũng phải bày ngang chứ không đặt mổ mặt vào người thắp hương hay là ngược vào mặt người thắp hương. Cúng xong, người ta không dọn đi ngay mà để cho trời đất, cộng đồng, chư vị linh thần ngự hưởng.

Theo bà Hà, khi cúng ngoài trời đã có gà trống luộc thì mâm cúng trong nhà có thể không cần một chú gà, mà cần lễ mặn là xôi, giò. Tuy nhiên, nếu mâm cỗ cúng ngoài trời chỉ cần một đĩa xôi, một đĩa giò thì mâm cỗ cúng trong nhà cần đầy đặn, làm ít nhất 6 đĩa xôi (1 đĩa to, 5 đĩa nhỏ), có những khoanh giò (hoặc thịt ba chỉ), cơm, canh. Khi xếp bát thì xếp số lượng dư ra.

Theo chuyên gia, cúng ở ngoài trời là cúng thiên, cúng địa, các vị cai quản của cả một vùng, còn cúng Giao thừa trong nhà là cúng gia tiên. Các gia đình nên lưu ý điều này để khi dùng văn khấn không bị nhầm lẫn.

Theo phong tục dân gian, trước khi khấn mời tổ tiên về ăn Tết thì gia chủ cần khấn Thổ Công (tức là vị thần cai quản trong nhà) để xin phép Thổ Công cho tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.

Về hướng đặt mâm lễ, có thể theo hướng Bắc (cúng Thượng Đế), hoặc hướng Đông (cúng Thiên Tử là Vua).

Nhà mặt phố, tập thể tuyệt đối lưu ý điều này

Theo chuyên gia Song Hà, với mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời, gia đình ở chung cư có thể làm mâm nhỏ cúng ở ngoài ban công, nhà tập thể cúng ở ngoài hành lang, còn nhà mặt phố cúng ở trên tầng thượng.

Vị này đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không đặt mâm cúng Giao thừa ở hẳn ngoài vỉa hè, lòng đường. Vì nếu cúng ở ngoài mặt bằng nhà thì vô tình sẽ trở thành "cúng chúng sinh", rất rắc rối về sau. Theo bà, một số nhà ở chung cư mang đồ lễ xuống sân tập thể chung cư để cúng, đây là sai lầm.

Dân gian quan niệm, người tiến hành lễ cúng Giao thừa có thể là nam giới hoặc phụ nữ trong gia đình, nhưng cần có sự tịnh thân, trước đó phải tắm rửa sạch sẽ, không ăn thịt chó, thịt rùa, cá chép. Với phụ nữ khi đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc mới sinh nở thì tránh đứng ra làm lễ.

Trong thời khắc diễn ra nghi lễ quan trọng của năm, các thành viên trong gia đình nên hòa thuận, tránh cãi vã to tiếng, tránh tạo ra những tiếng động lớn hay làm vỡ đồ đạc.

Cúng Giao thừa 2022: Những lưu ý quan trọng từ chuyên gia mà gia chủ nên biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: báo Tin tức

Lễ cúng Giao thừa cần hoàn thành trước 1 giờ sáng

Thời gian cúng Giao thừa được cử hành vào thời khắc kết thúc năm cũ chuyển sang năm mới, tức là bắt đầu từ giờ Tý (23h ngày 30 tháng Chạp đến 1h sáng mùng 1 Tết).

Chuyên gia phong thủy Song Hà chia sẻ với báo giới, để cho kịp giờ Tý, các gia đình cần sắp đặt, bày biện đầy đủ từ 22h và chờ đợi tới giờ. Lễ cúng Giao thừa cần hoàn thành trước 1 giờ ngày mùng 1 Tết. Theo đó, gia chủ nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để lễ cúng diễn ra thong thả, đúng nghi thức.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ trên tờ Lao động: "Giao thừa là thời điểm mà người ta tin rằng mỗi năm một lần các vị thần hành binh, hành khiển, phán quan phải thay đổi. Các vị thần đó được Ngọc Hoàng cử xuống để theo dõi, bảo vệ, trông nom, phán xử ở cấp độ các vùng, các làng, các thôn, các xóm. Cho nên họ phải đi rất nhiều không ai kịp vào một gia nào. Vì thế, người ta cúng và khấn ở ngoài trời.

Thứ nhất, người ta khấn thổ thần thổ địa đầu tiên, rồi đến thần đất nơi mà mình cư trú, sau đó là khấn bái tiễn các vị hành khiển, hành binh, phán quan hoàn thành nhiệm vụ năm trước và đón các vị hành khiển, hành binh, phán quan sẽ thực hành nhiệm vụ năm sau"

Theo ông Hùng Vĩ, do các vị quan thần đi đi, về về bàn giao công việc rất nhanh và khẩn trương, đi qua chỉ kịp chứng kiến lòng thành cho chủ nhà, nên đồ lễ không cần bày vẽ cầu kì.

(Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo)

Doanhnghieptiepthi.vn

Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/cung-giao-thua-2022-nhung-luu-y-quan-trong-tu-chuyen-gia-ma-gia-chu-ne.. Nguồn: https://doanhnghieptiepthi.vn/cung-giao-thua-2022-nhung-luu-y-quan-trong-tu-chuyen-gia-ma-gia-chu-nen-biet-161223101090613107.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai