Cuộc đời 'làm ơn, mắc oán' của thầy lang tự học nghề chữa bệnh cho con
“Bao năm nay tôi chữa bệnh giúp người nhưng gia đình toàn gặp phải những điều không hay, khiến tôi nhiều lúc chỉ biết kêu than với trời không thể làm gì được”.
Thương cô con gái đầu mắc bệnh hiểm nghèo, ông giáo Triệu Tiến Phúc (SN 1947, người dân tộc Dao, ngụ xóm Liên Thành, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tự học nghề thuốc cứu con. Con khỏi bệnh cũng là lúc ông trở thành “thầy lang” có tiếng khắp vùng. Nhưng bất hạnh vẫn đeo đuổi, người con đó bị lừa bán sang Trung Quốc 20 năm, người con gái khác mới đây lại bị sát hại tức tưởi. Ông lang quá đau lòng, chỉ gắng gượng sống với nghề thuốc để giúp người đời.
Học nghề thuốc cứu con
Nhiều năm nay, người Dao, người Mường ở các thôn bản thuộc huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) và cả những bệnh nhân người Kinh ở dưới xuôi lên đều gọi ông một cách giản dị: “Ông Phúc đông y”. Ông Phúc thấu hiểu được nỗi khổ cực của bà con dân tộc mình ở nơi sống thiếu thốn, lạc hậu. Khi chưa “chạm ngõ” nghề bốc thuốc, với mong muốn đem lại cái chữ cho người dân, ông đã tự học chữ để về dạy cho bà con và trở thành anh giáo trẻ được dân bản tin yêu. Năm 1971, ông Phúc cưới bà Phùng Thị Tình (kém 3 tuổi). Cuộc sống của một thầy giáo khó khăn, nay phải lo cho gia đình càng trở nên vất vả. Đôi vợ chồng trẻ đã cùng nhau khai hoang nhiều đồi để trồng cây, trồng chè nhằm tạo thêm thu nhập. Tuy còn thiếu thốn nhưng ngôi nhà nhỏ trên lưng chừng đồi luôn rộn vang tiếng cười.
Hạnh phúc càng tròn đầy khi người vợ sinh con gái đầu lòng vào năm 1972, đặt tên là Triệu Thị Vân. Bé con bụ bẫm, kháu khỉnh, hay ăn chóng lớn làm bao nỗi lo toan vất vả của bố mẹ như được tan biến. Nhưng bất hạnh đến khi đứa con được bốn tuổi. “Nó bỗng không chịu ăn uống, cấm khẩu, nằm như một khúc gỗ. Vợ chồng tôi mang con đi khám, bác sỹ bảo mắc bệnh viêm não Nhật Bản rất khó chữa”, ông Phúc kể. Nhà nghèo nhưng vợ chồng ông vẫn lặn lội mang con đi khắp nơi tìm thầy tìm thuốc mong con khỏi bệnh. “Có lúc tưởng đã phải bỏ cuộc nhưng nhìn con nằm đấy, bị bệnh tật hành hạ, không ăn uống, không nói cười khiến lòng tôi quặn đau”, bà Tình bồi hồi nhớ lại.
Ông Phúc vừa thương con vừa thương vợ đã gắng sắp xếp việc dạy học hợp lý để có thời gian đưa con đi chữa bệnh. Sau mấy năm trời ngược xuôi khắp nơi, cuối cùng ông bà đưa con đến chữa trị tại nhà một ông lang xã bên cạnh, không ngờ bệnh tình bé Vân ngày một chuyển biến. Thấy con có vẻ hợp thầy hợp thuốc, ông Phúc tràn trề hi vọng, quyết định xin nghỉ dạy một thời gian để sang nhà ông lang kia chăm sóc con và phụ giúp chữa bệnh. “Ban đầu, ông lang không đồng ý nhưng khi tôi trình bày hoàn cảnh, ông ấy đã giúp đỡ nhiệt tình”, ông Phúc vui vẻ kể. Thời gian đầu, ông khá lóng ngóng với việc phơi khô, nghiền, sắc thuốc… Nhưng sự chăm sóc chu đáo dành cho con gái và tính chịu thương chịu khó của ông đã khiến ông lang kia cảm động, bắt đầu tỉ mẩn hướng dẫn từng đơn thuốc, thang thuốc, còn cho đi theo mỗi lần hái thuốc. “Nhiều cây thuốc tôi không biết tên, nhưng do nhìn quen trong mỗi lần theo thầy đi hái nên giờ chỉ cần nhìn cây, nhìn lá là biết cây đó dùng để chữa bệnh gì”, ông Phúc cho biết.
Sau đó, ông đã được thầy lang nhận làm con nuôi và truyền hẳn nghề. Khi cô con gái được chữa khỏi bệnh cũng là lúc ông Phúc học thành thạo và trở thành một thầy lang “chính hiệu” chuyên bốc thuốc chữa bệnh cứu người.
Con vừa khỏi bệnh đã bị lừa bán sang Trung Quốc
Tâm sự hoàn cảnh gia đình, ông Phúc buồn rầu: “Bao năm nay tôi chữa bệnh giúp người nhưng gia đình toàn gặp phải những điều không hay, khiến tôi nhiều lúc chỉ biết kêu than với trời không thể làm gì được”. Gia đình có chín người con (hai trai, bảy gái), cảnh nghèo, con đông, cuộc sống chật vật. Mới đây, vào ngày 30 Tết Giáp Ngọ, cô con gái út tên Triệu Thị Phượng (SN 1995) lấy chồng cùng xóm bị người chú giở trò đồi bại và nhẫn tâm giết hại.
“Con gái tôi lấy chồng chưa được bao lâu nhưng chồng nó không may gặp tai nạn giao thông qua đời. Thấy nó còn trẻ, người chú họ gần nhà thường mon men rình mò, tán tỉnh nhưng bị nó từ chối, còn đem chuyện kể cho vợ chú biết. Vợ chồng hắn ta cãi nhau. Hắn tức mình qua trút giận lên con tôi. Cháu ngoại tôi mới hơn hai tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ”, ông Phúc nghẹn ngào. Vừa dứt tâm sự về người con vắn số, ông Phúc lại đưa tay chỉ người phụ nữ đang bận rộn chắt nước thuốc cho bệnh nhân, giới thiệu chính là Triệu Thị Vân, cô con gái đầu từng mắc bệnh viêm não.
Nhìn con gái với ánh mắt đầy yêu thương, ông tâm sự: Vân mới trở về nhà được hơn một năm sau 20 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Năm 1993, sau khi được cha chữa khỏi bệnh, cô bé gặp nạn trong một lần đi cắt tóc ở thị trấn Thanh Sơn. “Chúng tôi tưởng đã mất hẳn đứa con gái tội nghiệp, nào ngờ sau 20 năm, nó vượt qua bao khổ cực đã trở về đoàn tụ với cha mẹ và các em”, ông nói. Theo lời kể, hôm đó Vân về nhà sau một ngày theo bố đi hái thuốc khá vất vả. Biết bố vui vì hái được nhiều cây thuốc quý, cô gái mạnh dạn xin phép xuống thị trấn Thanh Sơn vui chơi và làm tóc. Dù không yên tâm để con gái mới khỏi bệnh đi một mình, nhưng ông vẫn bằng lòng chiều con.
Trước khi con đi, ông còn dúi cho con dăm ba đồng mua đồ. “Bệnh tình Vân chưa khỏi hẳn, lúc nó ra khỏi nhà, tôi còn dặn với theo đi đường cẩn thận, đừng tiếp xúc với người lạ và phải nhanh về cho sớm”, vợ ông Phúc cho hay. Tới 19h chưa thấy con gái về, cả nhà mới tá hỏa đi tìm, xuống tới thị trấn được người ta cho biết: “Con gái ông bà đã bị kẻ xấu lừa bán sang biên giới Trung Quốc”. Ông bà quá thương con, phải mất một thời gian rất lâu sau đó mới lấy lại được tinh thần. Ông Phúc nhớ lại: “Không tin con gái bị người ta lừa, vợ tôi ngày ngày bắt tôi đi hỏi người quen xem Vân có qua đó chơi không… Nhưng tin tức về con ngày một biệt tăm biệt tích. Ngay cả cơ quan công an cũng đành bó tay trước sự mất tích của nó”.
Ngày đoàn viên không trọn vẹn
Chị Vân nãy giờ ngồi im lặng nghe bố mẹ kể chuyện, bắt đầu trải lòng: Chiều hôm đó chị đang ngồi làm tóc, bất ngờ một người đàn bà tới vỗ vai cười nói như đã thân quen từ trước. “Bà đó rủ đi uống bia. Tôi bảo không biết uống. Nhưng bà ta nài nỉ và cứ thế kéo tôi qua một quán bia, ép phải uống. Có thể cốc bia có thuốc mê nên mới uống được một ngụm tôi đã gục xuống bàn không biết gì”, Vân kể. Lúc tỉnh lại, chị thấy mình ở một nơi rất xa lạ, hỏi người bên cạnh mới biết đã bị đưa sang biên giới Trung Quốc.
Người con gái tiếp tục kể về chuỗi ngày khốn khổ nơi xứ người: “Chúng cho tôi uống thuốc nằm mê man mất 3 ngày. Tỉnh lại, tôi thấy mình đang ở trong một ngôi nhà khá giả, sạch sẽ, gọn gàng. Chúng bảo sẽ đưa tôi đi gặp “chồng” tương lai. Tôi sợ quá kêu lên liền bị đánh đấm cho tối tăm mặt mũi”. Cuối cùng chị bị bán làm vợ một người đàn ông Trung Quốc tên A Chén với giá 5 triệu đồng.
Tin Sao
- Đàm Thu Trang khoe loạt góc phòng sang chảnh hết nấc sau vài tháng ở ẩn, gây xúc động bởi bức tranh treo tường liên quan đến quý tử Subeo
- Phan Hiển đã làm gì với tình cũ Khánh Thi mà dân tình khen 'chuẩn phong độ đàn ông'?
- Quế Vân phải bán nhà sau ồn ào từ thiện nhưng vì sao khẳng định không xấu hổ?
- Vợ cũ Vân Quang Long hiếm hoi nói về con gái và nhắc tới bố mẹ chồng cũ, liệu có thù hận?
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”