Khi quà Tết trở thành “cuộc chạy đua vũ trang”
“Cuộc sống đã được cải thiện nhiều, những món quà kiểu rượu ngoại đồ Tây đã lỗi thời rồi. Giờ đi biếu quà Tết thì phải đảm bảo các yêu cầu 'sang', 'độc,' và 'hiếm' có giá từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng”.
Sau một năm đầy khó khăn của nền kinh tế, thị trường quà Tết bình dân năm nay khá ảm đạm, hàng loạt các hình thức khuyến mại đã được các doanh nghiệp cung ứng hàng hoá Tết đưa ra nhưng vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường quà Tết cao cấp lại đang được một bộ phận người dân, đặc biệt là dân kinh doanh khuấy động. Những món hàng siêu độc, siêu đắt có giá tới hàng trăm triệu đồng đang trở thành lựa chọn số 1 cho nhiều người thuộc nhóm khách hàng này.
Tết Nguyên đán ở Việt Nam được coi là dịp lễ quan trong bậc nhất trong năm. Dịp Tết cũng được xem là cơ hội để mọi người bày tỏ tình cảm hay hàn gắn những hiềm khích đã qua bằng những lời chúc đầy ý nghĩa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, Tết đối với dân làm kinh doanh còn được hiểu là cơ hội để bày tỏ sự tri ân với những người đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình làm ăn trong năm qua và hướng tới những cơ hội cho năm mới.
Và có lẽ vì lối suy nghĩ như vậy mà năm nay, dù trải qua một năm đầy khó khăn nhưng dân kinh doanh vẫn quyết trí “đầu tư” cho kỳ được một món quà Tết “cho không thẹn với lòng” để mang biếu những người đã đỡ đầu, tạo cơ hội cho mình trong chuyện làm ăn. Mà theo nhiều người thì mang quà Tết đi biếu giờ chẳng khác nào đưa hối lộ bởi giá trị của những món quà này đã vượt quá xa cái ý nghĩa nhân văn vốn có của quà Tết.
Cách đây vài năm, tôi đã từng được chứng kiến một doanh nghiệp bê nguyên cả một bộ dàn Karaoke thuộc diện hiện đại nhất thời điểm đó (nghe nói giá của nó đến ngót trăm triệu đồng) cho một vị lãnh đạo của huyện A “mượn” dùng trong dịp Tết. Và đến Tết năm sau, vẫn doanh nghiệp ấy, sau khi đã xin được mấy dự án ở Huyện đã cho người đến chỉnh trang từ A – Z ngôi nhà của vị lãnh đạo trên gọi là “làm mới cho anh ăn Tết, sang năm còn thăng quan tiến chức cho em được nhờ”.
Cũng chỉ mới đây thôi, khi tôi có dịp ngồi tiếp chuyện với mấy doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội thì được biết, dân kinh doanh giờ chán tặng rượi ngoại, đồ Tây rồi, bây giờ có tặng thì phải tặng những thứ thuộc diện “cao lương mĩ vị”, độc và hiếm.
Cũng chính vì sớm nắm bắt được tâm lý này của nên nhiều cửa, hàng, đại lý đã cho nhập về nhiều mặt phẩm thuộc diện “siêu khủng”, độc và hiếm. Cá biệt, có nhiều sản phẩm đã được đặt trước Tết vài tháng như yến sào, vây cá mập,… và giá của hai mặt hàng này cũng không hề rẻ, 1 kg vi cá mập dao động từ 10 triệu – 20 triệu đồng; 120 triệu – 150 triệu – 180 triệu đồng/kg yến sào.
Một vị giám đốc công ty xây dựng ở Từ Liêm cho biết: Mấy hôm vừa rồi, nghe đối tác nói chuyện quà Tết mà tôi thấy giật mình. Có ông đặt cả một đôi lục bình to tướng, nguyên khối làm bằng gỗ Lim chuyển từ Yên Bái xuống có giá hơn trăm triệu, kèm theo đó nào là vây cá mập, yến sào,… mang đến biếu một vị lãnh đạo. Tính sơ sơ một món quà Tết như vậy cũng đến 200 – 300 triệu đồng”.
Và để không thua kém đối tác và cũng để không bị coi là “cò con”, vị giám đốc này cho biết, anh đã cho nhân viên đi đặt một chiếc bút Parker có giá trên 200 triệu đồng, kèm theo đó là một túi quà trị giá lên tới gần 100 triệu đồng để biếu một đối tác ở một Tập đoàn xây dựng lớn.
Quà Tết đang bị biến tướng và được nhiều người xem như là hành vi hối lộ khi mà giá trị của nó lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, để đáp ứng các tiêu chí “sang”, “độc” và “hiếm” của một bộ phận khách hàng, những sản phẩm cao cấp như “Cầu phong thủy thạch anh” (180-200 triệu đồng); Tỳ hưu đá đen (15-20 triệu đồng); Tử Thủy Tinh Động (10-15 triệu đồng); Thất tinh trị; Rồng Phượng chầu chữ Hỷ; Voi 6 ngà; Cây nho ngọc… cũng được nhiều cửa hàng kinh doanh đồ phong thuỷ nhập về theo đơn đặt hàng của khách.
Mặt hàng rượu tuy không được chuộng như mọi năm nhưng dựa trên những yêu cầu của khách VIP cũng được giới kinh doanh nhập về. Chỉ có điều, thay vào những sản phẩm bình bình có giá vài ba triệu thì dịp này, những chai rượi có giá trên dưới 10 triệu đồng được nhập về khá nhiều.
Theo chị Huyền, nhân viên kinh doanh tại một quầy rượu trên phố Giang Văn Minh cho biết: Rượi ngoại giờ khá phổ biến và được dùng thường xuyên tại các buổi tiệc tùng, khách khứa nên dịp này, chúng tôi đã cho nhập về nhiều món hàng đắt tiền, sành điệu để phục vụ khách VIP đi biếu Tết. Đây là những sản phẩm nổi trên thế giới, có thương hiệu và lịch sử văn hoá gắn liền với từng chai rượi như: Chocolate Thụy Sỹ, Cigar Cuba, hương vị tinh túy của rượu Macallan được chắt lọc và ướp hương gỗ sồi thượng hạng.
Và xu hướng này dường như đang được cổ xúy khi mà cả người đi tặng và người được tặng đều chung một tâm lý: Đã tặng, đã biếu thì phải ra biếu. Quà tặng phải thể hiện được đẳng cấp, được thương hiệu và địa vị xã hội.
Câu chuyện quà Tết giờ đang bị biến tướng mạnh mẽ và trở thành một “cuộc đua vũ trang” âm thầm, lặng lẽ trong xã hội.
Tin Sao