Luận chơi về “Mã đáo thành công”
Nhân năm con ngựa, chúng ta hãy thong thả lần giở xem con vật quan trọng này biểu tượng cho điều gì ở các nền văn hóa khác nhau.
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn
Bằng vào những ghi chép, ta thấy những điều sau đây: Ở hầu hết các tín ngưỡng nguyên thủy đều liên kết con ngựa với bóng tối cõi âm ty, nơi nó đột nhiên xuất hiện, phi như máu chảy trong mạch, từ lòng đất hoặc từ biển thẳm lên cõi dương. Nó là con đẻ của bóng đêm và cõi huyền bí, cùng lúc mang đến cả cái chết và sự sống, liên quan đến lửa, là sức mạnh phá hủy và chiến thắng; và gắn với nước, nguyên tố nuôi dưỡng đồng thời có thể làm chết ngạt bất cứ sinh linh nào.
Các nhà phân tâm học cũng biến con ngựa thành biểu tượng của cái tâm vô thức hoặc là cái linh hồn phi nhân tính. Ở một góc nhìn khác, ngựa được coi là một thứ mẫu gốc, gần gũi với mẫu gốc Mẹ, hiện thân cho trí nhớ của thế giới; hoặc với mẫu gốc thời gian, thường gắn với những đồng hồ lớn tự nhiên. Nhưng theo quy luật thì đêm ắt dẫn tới ngày, và điều xảy ra là con ngựa, cũng theo quá trình ấy, đã rời xa những cội nguồn tăm tối của mình để nâng bổng mình lên tới tận trời cao, vốn là nơi thanh sạch, chan hòa ánh sáng.
Ở Thảo nguyên Trung Á, quê hương của những người cưỡi ngựa và thầy pháp Saman, thì ngựa là con vật của bóng tối và của những ma lực. Trong lễ thức Vaudou của người Haiti và người Phi, hay trong lễ Zar của người Abyssinie cũng như trong những bí lễ cổ xưa ở Tiểu Á, con ngựa và con người đảo vị trí và vai trò cho nhau. Ngay cả ở Braxin thì những người bị ám trong lễ Vaudou vừa kể được gọi rõ ràng là “Những con ngựa của thần Loa”.
Lễ thụ pháp của các hiệp sỹ phương Tây trung cổ còn cho thấy ngựa luôn được coi là con vật được ưa thích trong các cuộc tìm kiếm tinh thần. Khi Pesgase (một hình tượng ngựa trong thần thoại Hy Lạp) dâng sét cho thần Zeus, thì nó được coi là con ngựa trời.
Ở Ailen và một số nước khác tại châu Âu, ngựa được xem là biểu tượng của Thần chết và chúng gợi đến hình ảnh của địa ngục, nơi chỉ có bóng tối và quỷ dữ với những tâm hồn sa đọa chờ bị trừng phạt.
Còn ở Việt Nam thì sao? Do không phải là “mảnh đất hứa của loài ngựa” nên con vật khôn ngoan và chung thành này chỉ được gắn với các vị tướng và những cuộc chiến tranh, nơi ngựa giữ một vị trí không thể thay thế. Con ngựa nổi tiếng nhất trong tâm thức người Việt có lẽ là con ngựa đã giúp Thánh Dóng đánh đuổi giặc Ân. Con ngựa này thân thể bằng sắt, có thể phun ra lửa, đốt cháy quân thù và tặng cho thế gian một giống tre có tên đằng ngà. Ở tư thế vươn mình bay lên trời sau khi lũ giặc bị quét sạch, hình ảnh con ngựa cũng thể hiện cho khát vọng chiến thắng và hòa bình của người Việt.
Giờ ta hãy cùng trở lại vấn đề ban đầu, gắn với ý nghĩa của một bức tranh ngựa và gắn với một phong tục đẹp mang phong cách Á Đông rất được ưa thích. Bức tranh đó tên là “Mã đáo thành công”, vẽ tám con ngựa đang tung vó, dựng bờm chạy hùng dũng và phấn khích về phía người xem, được hiểu là chúng đang trên đường trở về. Có vô vàn cách giải thích khác nhau và sau đây chỉ là một số trong những cách hiểu ấy.
Cho rằng ngựa chỉ dùng trong chiến trận, vì thế khi ngựa trở về là báo hiệu chiến thắng, tức là đem tin vui, tức là thành công. Ngựa về đến nơi (mã đáo) niềm vui cũng bắt đầu (ghi nhận thành công)?
Một ý khác căn cứ vào số lượng 8 con ngựa đang hí vang trên thảo nguyên mênh mông, coi đó là điềm phát đạt. Số tám, đọc là bát, khi nói trại đi có thể là phát, chỉ sự phát đạt. Đó là lý do vì sao những biển số xe, số điện thoại có số 8 ở cuối (hoặc một dãy số 8) luôn được mua với giá cao. (Biển xe của ông Dũng đánh bạc triệu đô PMU 18 đang thọ án trong tù cũng là 6868 “lộc phát song trùng”, thảo nào ông ấy mới giầu có. Nhưng khi ông ta vào tù thì thiên hạ lại luận thành sáu tấm, sáu tấm, tức là điềm báo trước về cái áo quan). Cả tám con ngựa cùng trở về thì chắc chắn là điềm lành, báo hiệu đại hỷ rồi còn gì phải nghi ngờ?
Cũng lại có người suy luận rằng, ngựa thả hoang trên đồng cỏ, thường là đi mất hoặc bị thú dữ ăn thịt, bị giang hồ bắt trộm…Vậy mà nay chúng không những trở về mà còn kéo nhiều con khác về theo(?) Thế chả phúc đức lớn là gì. Chỉ có điều xem bức tranh thì khó mà biết con ngựa nào là con ngựa thả ra, con nào là con theo về.
Và đây nữa, cho rằng, trong tranh mô tả con đầu đàn quay lại nhìn về phía sau là có ý giục những con khác phi tăng tốc lên. Ngựa trở về, con nào cũng to béo, lông trơn mượt mà phi không biết mệt, lại còn bảo nhau nhanh nhanh chân lên thì còn gì mà không kết luận đấy là một cách reo ca chiến thắng từ ngoài ngõ?
Với những ý nghĩ mộc mạc, mang tính suy diễn ngẫu hứng như trên thì tựu lại bức tranh “Mã đáo thành công” là vật báo hiệu, hoặc cầu mong sự phát đạt, thịnh vượng (chưa ghi nhận thấy có cách hiểu ngược lại). Vì thế nó thuộc loại tranh phong thủy. Bức tranh này thường được dùng tặng cho những cơ sở kinh doanh, nhà hàng, nhà máy…khi mới khai trương. Cái ý nghĩa tốt đẹp “ai cũng biết ấy” giờ đã mặc nhiên được thừa nhận đến mức không ai còn dở hơi truy nguồn gốc ý nghĩa đích thực mà họa sỹ muốn gửi vào. Chỉ cần nói Mã đáo thành công là đủ cho một lời chúc đầy thiện ý, lời cầu mong tốt đẹp, lời tán dương mang tinh thần hợp tác…sao cho mọi việc mau chóng thành công, mau chóng có kết quả tốt, mau chóng đến được với giấc mơ…Giả sử có ai muốn nói câu đó với hàm ý ngược lại, rằng 8 con ngựa như 8 con quỷ thoát ra khỏi địa ngục, muốn đến để chở những linh hồn tội lỗi xuống âm ty cho Diêm Vương xét xử, sẽ không bao giờ toại nguyện. Chẳng ai chấp anh ta nếu người ta chưa tống anh ta ra khỏi cửa.
Nhưng lời chúc chỉ là lời chúc. Nó vừa kích thích cảm hứng song cũng dễ tạo ra những hoang tưởng, hoang ngôn. Chúng ta vừa qua năm rồng (Nhâm thìn 2012), cũng nhiều lời tiên tri tốt đẹp lắm, ngoại trừ lời tiên tri thót tim về ngày tận thế. Tận thế chưa đến nhưng trái với hy vọng bay lên như rồng, cả thế giới lộn tùng phèo vì biết bao là đảo lộn, cả thế giới ngập lụt, động đất, núi lửa đến mức cầu cho năm rắn đến mau để hạ xuống bò sát đất cho chắc. Nhưng bò, trườn cũng vẫn không tránh được những cú tụt xuống hố tử thần! Thế giới vẫn ngắc ngoải trong cơn đại khủng hoảng, thực chất là cuộc trả giá toàn cầu cho những tham vọng kiêu ngạo, lợi dụng sự hào phóng của thiên nhiên quá mức, vô trách nhiệm với tương lai. Con vật tinh khôn, biết khép mình, với lối uốn thân đầy linh hoạt nhưng vì thế cũng rất nham hiểm, thấp hèn như con rắn, sau một năm lên thác xuống ghềnh đến kiệt sức vẫn không cứu được nhân loại qua khỏi vận đen, chắc chỉ mong sớm được bàn giao thế gian cho con vật hùng dũng, mạnh mẽ, thủy chung, ít sai đường nhưng gắn chặt với thói hiếu thắng và dễ hoang tưởng. Cái bản tính thuộc loại gien lặn ấy của con ngựa, chính là chỗ mà con người cần phải cảnh giác cao độ. Bởi xét lại lịch sử thì cứ khi nào con người hiếu thắng, thỏa mãn là khi đó gặp nạn, thất bại, phải trả giá đắt. Nên nhớ là có những thứ rất gở nếu gắn với con ngựa. Chẳng hạn lạm phát phi mã; giá cả phi nước đại; tiền mất giá khó kiểm soát như ngựa lồng, nền kinh tế bất kham như ngựa chứng; kỷ cương, luật pháp như ngựa hoang…
Nhưng “mã đáo” nếu không phải là ngựa què, ngựa mù thì vẫn cứ là điềm lành, báo hiệu thành công, báo hiệu sự may mắn. Chỉ cần luôn ghi nhớ: Dục tốc bất đạt! Nhanh như ngựa không phải lúc nào cũng hay. Nhanh như ngựa có thể sa xuống hố. Nhanh nhưng phải biết đích xác cái mục tiêu sẽ đến. Chỉ khi đó mã đáo mới thực sự đem đến thành công.
Tin Sao
-
Lý Liên Kiệt chưa từng hợp tác với Châu Nhuận Phát hóa ra là có liên quan đến bà xã Lợi Trí
-
Học trò hé lộ tình cảnh hiện tại của Hồ Hoài Anh sau thời gian dài im hơi lặng tiếng
-
Bà xã Mạnh Trường khoe loạt ảnh 'phồng má chu môi' cực yêu của con trai út, tiết lộ một tính cách của nhóc tì sao chép từ ba
-
Angela Phương Trinh bị quay lén vẫn 'đỉnh của chóp', lộ bí quyết sở hữu thân hình mê hoặc
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!