Nghề phát tài nhờ ‘tháng cô hồn’

21/08/2015 15:45

Nếu trong khoảng từ đầu tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, những cửa hàng buôn bán vàng mã trong tình cảnh “chơi dài” thì rằm tháng 7 chính là thời điểm công việc kinh doanh.

Nếu trong khoảng từ đầu tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, những cửa hàng buôn bán vàng mã trong tình cảnh “chơi dài” thì rằm tháng 7 chính là thời điểm công việc kinh doanh nhộn nhịp trở lại.

'. Nghề phát tài nhờ ‘tháng cô hồn’ .'

Chúng ta đang ở những ngày tháng 7 âm lịch. Tháng cô hồn.

Khi tháng 7 gõ cửa, mọi người tránh đụng đến công việc kinh doanh, việc đại sự trong tháng này, đặc biệt là những việc quan trọng như cưới hỏi, mua sắm, hay mua đất, xây nhà.

Sự kiêng kị mang ý nghĩa tâm linh này tác động không nhỏ tới nền kinh tế. Nó khiến sức cầu của thị trường suy giảm. Các sàn bất động sản vốn nhộn nhịp từ đầu năm đến nay, tạm án binh bất động trong tháng 7 âm lịch.

“Người có nhu cầu vẫn đến xem nhà, nhưng họ chỉ đặt cọc trước để lấy vị trí đẹp”, nhân viên một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết.

Mặc dù vậy, vẫn có một thị trường mà nhu cầu mua sắm tăng rất mạnh trong thời gian này. Đó là thị trường vàng mã. Nếu trong khoảng từ đầu tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, những cửa hàng buôn bán vàng mã trong tình cảnh “chơi dài” thì rằm tháng 7 chính là thời điểm khởi sắc.

Nổi tiếng với cả một con phố chỉ bán những đồ thờ cúng, tiền vàng, Hàng Mã từ lâu đã trở thành trung tâm tập kết của loại mặt hàng này. Chị Thu Hằng, một tiểu thương có 3 thế hệ kinh doanh ở phố Hàng Mã cho biết,mỗi năm có 3 thời điểm vàng cho tiểu thương ở phố này.

“Lấy mốc rằm tháng 7 bây giờ, hết rằm tháng 7 thì đến Trung thu, rồi Noel, tết dương lịch. Tới tháng Chạp thì bán đồ đi lễ tạ đền bà chúa kho, đồ cúng ông Táo, Tết Nguyên Đán, đồ lì xì, trang trí tết cho năm mới. Đầu năm thì bán lễ vàng để đi hội lễ từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch. Sau đó thì các cửa hàng sẽ lại ngồi chờ tới tháng 7.

Hầu hết các gia đình đều mua đồ mã để cúng trong ngày rằm tháng 7. Người mua ít cũng mua một đinh, tương ứng với 10 tập tiền vàng, mỗi tập có đủ loại tiền cổ, tiền 500.000 đồng màu đỏ và tiền 100 đô la, đi cùng với nó là thẻ hương, hương vòng, rồi hoa vàng, ngựa, quần áo, mũ, giày dép,…", chị Hằng cho biết.

'. Nghề phát tài nhờ ‘tháng cô hồn’ .'

Không giống như Trung Quốc hay Hồng Kông, nơi hàng mã thay đổi kiểu dáng liên tục, các loại tiền vàng ở Việt Nam khá “giữ dáng”. Phổ biến nhất vẫn là cọc tiền 100 USD và 500.000 đồng màu hồng, tiếp theo đó là các loại giấy vàng, xu vàng. Cách đây vài năm, khi tiền polyme mới ra mắt, cũng sốt lên loại tiền âm phủ trông như tờ 500.000 đồng thật. Tuy nhiên, do những giới hạn của quy định Nhà nước, loại tiền này không quá phổ biến.

“Điểm khác biệt chính giữa các loại hàng mã nằm ở chất liệu giấy. Tiền âm phủ cũng được phân loại, loại 1, loại 2, loại 3. Loại càng tốt thì giấy càng cứng hơn, trắng hơn, in đẹp hơn và giống thật hơn. Quần áo, mũ, áo, giày cũng phải được làm bằng chất liệu tốt hơn, họa tiết sắc nét hơn”, chị Hằng cho biết.

Không rõ chất liệu có khiến mệnh giá các loại tiền này thay đổi khi xuống âm giới hay không, nhưng với quan niệm "trần sao âm vậy", những loại hàng mã phải được làm càng giống thật càng tốt.

Nhu cầu cao đã hình thành nên những làng nghề chuyên sản xuất những loại tiền âm phủ này. Lớn nhất hiện nay là làng Đông Hồ ở Bắc Ninh. Từng nổi tiếng với tranh Đông Hồ, ngày nay, làng này nổi tiếng hơn với việc sản xuất các loại hàng mã từ tiền, vàng, cho tới nhà lầu, xe hơi, di động,…

Dù làm hàng mã không giúp làng Đông Hồ được gọi là làng nghề nhưng nó mang về nguồn thu không hề nhỏ. Nhờ vàng mã, không ít gia đình ở đây đã xây được nhà lầu, tậu xe.

Tất nhiên, những nơi tiêu thụ chính như phố Hãng Mã cũng thu về không ít trong dịp này.

Theo kinh nghiệm của Hằng, “Quy tắc chung là mua giá 1 thì bán giá 3”. Hàng mã được xem là mặt hàng tâm linh, nên người mua thường không mặc cả. Dù các cửa hàng cũng ít khi “chặt chém” khách hàng, rõ ràng đây vẫn là một mặt hàng có tỉ suất sinh lời cao.

Như nhiều lĩnh vực khác, ngoài bán hàng, nhân viên các cửa hàng trên phố Hàng Mã còn kiêm luôn dịch vụ tư vấn cho khách hàng nên mua loại hàng mã gì, trong dịp nào là tốt nhất.

"Chẳng hạn, tiền vàng và hương là loại hàng mã thông thường, được cúng quanh năm. Còn khi gia đình có ma chay hiếu hỉ, cũng sẽ có những mặt hàng tương ứng để bán kèm. Dịp rằm tháng 7 nên mua thêm quần áo, tiền vàng, nhưng không mua xe cộ, nhà cửa (có lẽ người đã khuất cũng “kiêng” cất đất, xây nhà, tậu xe trong dịp này). Đến cuối năm lễ tạ Bà Chúa Kho thì nên mua vàng thỏi, bạc thỏi, tiền, đô la để tạ ơn, nếu đi đền Ông Hoàng Bảy cầu tiền cầu lộc thì mua tiền vàng với bộ đèn nữa", một tiểu thương tên Linh trên phố Hàng Mã tư vấn cho chúng tôi khi được hỏi.

Những vị khách sộp

Doanh thu từ việc bán vàng mã không hề nhỏ. Theo Linh, đợt bán tháng 7, tháng 8 có thể giúp các cửa hàng kinh doanh ở đây thu lãi hàng trăm triệu đồng, đủ để trả tiền thuê mặt bằng và chi phí sinh hoạt trong 3 tháng ít khách tiếp theo. Vì sinh lời tốt như vậy, giá thuê mặt bằng ở đây cũng không hề rẻ. Một mặt bằng nhỏ đã có giá thuê lên đến 15 triệu đồng/tháng.

Đối tượng khách hàng đắt giá nhất của dân buôn bán trên con phố này đó là người làm kinh doanh và đặc biệt là dân đi hầu đồng. Những người kinh doanh buôn bán có thể mua 3 – 4 triệu đồng tiền hàng mã, trong khi những người hầu đồng có thể mua tới cả chục triệu đồng.

Hầu đồng là một nghi thức hoạt động tín ngưỡng dân gian của những người theo đạo Mẫu. Dù thường bị ghép vào mê tín dị đoan nhưng hầu đồng rất được cánh làm bất động sản, nhà hàng, khách sạn…ưa chuộng.

“Khác với đạo Phật quan niệm phải tu nhiều năm, nhiều kiếp mới thành chánh quả, quan niệm của đạo Mẫu là người làm việc tốt sẽ được đền đáp ngay. Vì vậy, không ít người kinh doanh theo thầy, hầu đồng, hy vọng nhanh chóng làm ăn phát đạt.

Rằm tháng 7, theo quan niệm cổ xưa, đây là thời điểm cửa Âm phủ mở ra, cõi dương và cõi âm gần nhau nhất, vì thế, đây cũng là thời điểm người âm dễ nhận được tiền người ở trần thế gửi xuống nhất”, ông Phương Anh, chủ doanh nghiệp sản xuất hương Phụng Nghi từng chia sẻ với chúng tôi.

'. Nghề phát tài nhờ ‘tháng cô hồn’ .'

Những người đi hầu đồng là những vị khách sộp nhất của các cửa hàng vàng mã

Dù việc đốt nhiều vàng mã không được chính phủ khuyến khích vì ô nhiễm môi trường và mê tín dị đoan, nhưng với quan niệm dân gian người sống cần gì thì người chết cũng cần cái đó, các gia đình thường mong muốn cúng tổ tiên mình bằng loại tiền, vàng bạc, trang sức, đồ dùng tốt nhất và đầy đủ nhất. Ngày nay, ngoài những mặt hàng cơ bản như tiền, vàng, tiền xu, quần áo, nhiều loại hàng mã mới như xe hơi, nhà lầu, iphone, trang sức,… cũng bán rất chạy.

Càng đốt nhiều, người ở trần gian càng tin rằng người ở thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc hơn, sẽ phù hộ cho con cháu cuộc sống yên ổn, kinh doanh phát đạt. Theo thời gian, số tiền đốt ngày càng nhiều hơn.

Đó là chuyện trên trần gian. Còn ở "cõi âm", hẳn các nhà kinh tế học sẽ rất "đau đầu" trước tình hình lạm phát tại đây.

Ttvn.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”