Giảm nghèo đa chiều Sẽ cắt bỏ các chính sách cho không
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH về việc rà soát, xem xét các chính sách dành cho hộ nghèo, khi mà tỷ lệ hộ nghèo cả nước cao gấp 3 lần trước đây.
Chính sách mới phát huy tính chủ động
Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có chỉ đạo trong việc rà soát, cắt bỏ các chính sách trùng lặp, vậy chỉ đạo này đang được thực hiện thế nào, thưa thứ trưởng?
Gia đình ông Lò Văn Pâng (74tuổi), dân tộc Thái,trú tại xã Núa Ngam
(Tam Đường, Điện Biên)thuộc diện khó thoát được nghèo
trong địa bàn xã. M.L
- Chỉ đạo của Chính phủ cũng là một mục tiêu lớn trong việc giảm nghèo giai đoạn tới. Hiện tại, các bộ ngành đang tập trung rà soát lại tất cả các chính sách do bộ ngành mình tham mưu trong thời gian qua để từ đó đánh giá hiệu quả của từng chính sách. Chính sách nào cần tích hợp, chính sách nào sửa đổi, hay kết thúc những chính sách không hiệu quả. Chính phủ cũng lưu ý các bộ ngành cần phải tự chủ động và có sự phối kết hợp trong việc rà soát chính sách, tránh việc trùng lặp, chồng chéo trong việc ban hành chính sách mới. Hơn nữa, việc định hướng thiết kế chính sách mới cũng sẽ được thực hiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghèo, địa phương nghèo chủ động vươn lên, sử dụng nguồn lực và chính sách có hiệu quả.
Các chính sách trùng lặp, không hiệu quả là những chính sách nào, ông có thể điểm lại?
-Các chính sách hỗ trợ sản xuất trong Chương trình 135, hay 30a như: Hỗ trợ giống, hỗ trợ cây con, phân bón, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng… sắp tới sẽ thiết kế lại thành một hệ thống để tập trung nguồn lực. Tới đây các chính sách cho không sẽ bị cắt bỏ, thay vào đó là những chính sách “bà đỡ”, tạo cú hích để khuyến khích sự vươn lên của người nghèo.
Có ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ giáo dục cũng chưa đạt hiệu quả như mong đợi, nhiều em chỉ học giữa chừng rồi bỏ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Thực ra về chính sách hỗ trợ giáo dục, chúng ta cũng nên hỗ trợ phù hợp đến từng mức độ khác nhau. Không phải tất cả học sinh người dân tộc đều phải học hết lên đại học. Nhiều em chỉ cần học hết phổ thông là có thể tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật để sản xuất. Một bộ phận khác các em có năng lực học lên cao, tham gia học nghề, hay cử tuyển. Ngoài ra chúng ta cũng đã có những chính sách hỗ trợ để các em học và quay lại xây dựng quê hương.
Vậy giai đoạn tới phải bổ sung thêm những chính sách mới nào giúp người nghèo tiếp cận với 5 chiều dịch vụ xã hội thiết yếu?
- Chúng ta tiếp cận đa chiều, chúng ta sẽ quan tâm đến việc thiết kế 5 chiều dịch vụ thiết yếu, nhưng không phải bây giờ chúng ta mới làm cái đó. Trước đây, chúng ta cũng đã có chính sách giúp người dân tiếp cận y tế, thông tin, nước sạch, giáo dục..., chúng ta đã có chương trình mục tiêu và chính sách rồi. Bây giờ chúng ta đánh giá, đo đếm các chiều cụ thể, mục đích là để xem người nghèo còn chưa được tiếp cận với cái gì để tiếp tục hỗ trợ. Chính vì vậy, chúng ta chỉ cần bổ sung, hoàn thiện lại hệ thống chính sách đang có.
Sẽ bố trí đủ nguồn lực
Kết quả rà soát hộ nghèo giai đoạn 2016-2020 cho thấy tỷ lệ nghèo, cận nghèo quá cao. Ông nhận định gì về điều này?
- Kết quả sơ bộ rà soát điều tra nghèo đa chiều từ các địa phương cho thấy tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, cận nghèo là 5,22%. Tỷ lệ này so với dự báo ban đầu của Tổng cục Thống kê và Bộ LĐTBXH thấp hơn khoảng 2-3% (18%). Thực ra nó cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ nghèo theo phương pháp cũ (năm 2015) nhưng chúng ta không quá bất ngờ về kết quả này. Trước đó, vào đầu kỳ của giai đoạn 2011-2015 tỷ lệ hộ nghèo cũng khá là cao, lên tới 14,2%. Cho nên giờ, dù tỷ lệ hộ nghèo có cao, có tiếp cận giảm nghèo theo hướng mới ta cũng không bị choáng. Trước đây chúng ta chưa làm nghèo đa chiều nhưng người nghèo cũng đã được hỗ trợ các chiều khác nhau, ví dụ nhà ở, nước sạch… Sau khi đánh giá lại, việc thiếu hụt tiếp cận các chiều dịch vụ cơ bản cũng không quá lớn như lúc đầu ta tính toán. Nhìn chung, kết quả điều tra tương đối khách quan, phản ánh đúng tình hình giảm nghèo hiện nay.
Tỷ lệ hộ nghèo tăng cao có tạo áp lực lớn lên việc bố trí nguồn lực, thưa ông?
- Như trên đã nói, vì đây là kết quả nằm trong tính toán nên không tạo ra áp lực trong việc bố trí nguồn lực. Trước đây chúng ta cũng đã từng bố trí nguồn lực để giảm nghèo cho 14,2% hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2011-2015. Giờ dù nghèo có tăng đi chăng nữa nó vẫn nằm trong khoảng đó, nên nguồn lực cơ bản sẽ bố trí đủ cho các chương trình.
Quốc hội đã có Nghị quyết 100/2015/QH13 về bố trí nguồn lực trung hạn cho giai đoạn giảm nghèo 2016-2020 với tổng nguồn lực hơn 46.000 tỷ đồng, bao gồm cả đầu tư hạ tầng, cả sự nghiệp, hỗ phát triển sản xuất, tăng sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nguồn lực dành cho chương trình mục tiêu 5 năm. Các chính sách khác đang thực hiện cho người nghèo như: Hỗ trợ y tế, cho vay tín dụng, hay hỗ trợ giáo dục… là tính riêng.
Tỷ lệ nghèo giữa các vùng miền có sự “chênh” lớn, vậy việc thiết kế, điều chỉnh chính sách sẽ thực hiện thế nào?
- Hiện nay, chúng ta đã có cả chính sách giảm nghèo và chương trình giảm nghèo. Ví dụ, về chính sách có: Chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế; cho vay tín dụng; cho vay làm nhà ở; hỗ trợ giáo dục… những chính sách này đã được thực hiện, tất cả người nghèo trong cả nước đều được hưởng, quyền lợi như nhau.
Về chương trình giảm nghèo, chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nước sạch (trước kia) tập trung nguồn lực cho những vùng nghèo nhất là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, vùng bãi ngang ven biển… và những vùng có tỷ lệ nghèo cao. Những vùng này sẽ được ưu tiên nguồn lực nhiều hơn, không chỉ đầu tư cho các hộ nghèo mà còn đầu tư hỗ trợ cho cộng đồng nghèo. Nâng cao điều kiện về hạ tầng cơ sở, song song với việc có chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng này.
Nhờ vậy mà trên bình diện cả nước việc giảm nghèo đã đạt được kết quả lớn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 1,3 - 1,5 lần, đặc biệt tại những vùng có tỷ lệ nghèo cao, tỷ lệ giảm lên tới hơn 4%.
Xin cảm ơn ông!
Tin Sao
-
Bạn cùng lớp của Lưu Diệc Phi tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh năm 2002: Khóa học 'toàn sao' gọi tên Chu Á Văn, Giang Nhất Yến, Hoàng Bột
-
'Hoàng Dung đẹp nhất màn ảnh' Ông Mỹ Linh: Cả đời điên cuồng vì tình, chết thảm tại nhà ở tuổi 26, sự thật cái chết của cô được bác sĩ pháp y phơi bày
-
Việt Trinh đăng clip nhảy nhót, bị mỉa mai 'có tuổi còn làm vậy cho người ta chú ý'
-
Lý Nhã Kỳ phải làm điều này với người vu khống cô hút mỡ và chê nhan sắc khác lạ
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu