Sinh viên "lăn xả" kiếm tiền ngày Tết

31/12/2012 09:16

Mặc dù kì nghỉ Tết dương lịch năm nay kéo dài đến 4 ngày nhưng vì rất nhiều lí do, không ít bạn đã chọn cách ở lại Hà Nội kiếm thêm chút tiền.

Hi sinh kì nghỉ kiếm tiền cho mẹ chữa bệnh

Công việc những ngày lễ Tết chủ yếu là những công việc mùa vụ, làm theo ngày như bán hàng Tết, làm PG, làm thêm tại các sự kiện cưới hỏi, làm bảo vệ, làm công việc quét dọn nhà cửa.

Trần Phan Mỹ Linh, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Công Đoàn cho biết, do nhà xa, mẹ lại đang bị bệnh, nghe nói kiếm việc làm thêm mùa Tết tương đối dễ lại có thu nhập cao nên Linh quyết định ở lại Hà Nội kiếm thêm chút ít tiền để Tết Nguyên Đán tới đây gửi về cho mẹ chữa bệnh và sắm Tết.

Sở hữu một chiều cao khá lí tưởng, với gương mặt ưa nhìn, Linh nhanh chóng tìm được việc làm thêm là làm PG bưng tráp cho đám hỏi. Mỗi ca khoảng 2 tiếng, Linh được trả 150.000 đồng.

Tuy nhiên, cảnh ở lại phòng trọ một mình trong khi bạn bè về quê ăn Tết hết khiến cho Linh không khỏi chạnh lòng, Linh  chia sẻ: “Trong khi bạn bè mình về quê bên gia đình hết thì hôm qua em phải đi bê tráp cho đám hỏi ở Trương Định từ 6h sáng. Mặc dù kiếm được thêm chút tiền nhưng em rất nhớ nhà và thấy tủi thân lắm”.

Cùng chung hoàn cảnh xa nhà ngày Tết, Lê Thị Ngọc Huyền, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Mỹ Thuật Hà Nội quê ở tận Đông Hà - Quảng Trị, do nhà xa nên cũng không có đủ tiền về quê dịp tết dương lịch này. Huyền ngậm ngùi: “Bạn cùng phòng em đã về từ hôm thứ 5, còn mỗi mình em ở lại. Nhà em hơn 600 cây số mỗi lần đi về mất cả tiền triệu, nên em không dám về. Ở lại phòng một mình cũng buồn chán nên có bạn rủ em đi bán lịch thuê tại đường Đại La”.

Công việc những ngày Tết thực sự bận rộn, Huyền phải làm luôn chân, luôn tay từ 8h sáng đến tận 19h chiều, mà Huyền chỉ được trả 150.000 đồng.

Huyền chia sẻ: “Những ngày cuối năm, lịch bán rất vất vả, cửa hàng lại có mỗi mình em làm chính, chị chủ thì chỉ đạo thôi. Em cũng chưa đi làm thêm bao giờ, nên thấy rất cực. Nhưng nếu không đi làm thì chẳng có được 150.000 đồng, lại mất cả tiền ăn uống nữa”.

Sau một ngày làm việc vất vả, Huyền vẫn vui vẻ cho biết: Nếu công việc suôn sẻ, Huyền sẽ được làm thêm dài hạn đến tận tết Âm lịch. Tính ra đến khi về quê, cô sinh viên Mỹ thuật cũng kiếm được 3,4 triệu đồng.

Công việc vất vả lại nhiều rủi ro

Nhiều bạn không phải do nhà xa, cũng không hẳn do hoàn cảnh quá khó khăn nhưng vẫn lựa chọn việc ở lại thủ đô, vì cơ hội kiếm tiềm vào những ngày này dễ dàng hơn rất nhiều so với ngày thường.

Nguyễn Bạch Trà, sinh viên trường ĐH Kinh tế Quốc dân quyết định không về quê mà lên mạng đến tìm kiếm việc làm thêm. Và thấy việc đi làm osin theo giờ khá phù hợp, Trà đã nhận lời dọn nhà cho một chị ở Láng Hạ.

Nhưng ngày đầu tiên đi làm của Trà không được tốt đẹp. Mặc dù mất gần một ngày lau dọn 4 tầng nhà, nhưng khi xong việc, chị chủ nhà lại quỵt của Trà mất 50.000 đồng.

Trà bức xúc: “Theo thỏa thuận ban đầu em lau nhà cho chị ta là 4 tiếng được 150.000 đồng. Thế mà chị ta bắt em làm đến tận hơn 5 tiếng đồng hồ. Khi xong chị ta còn bảo em làm chưa sạch nên chỉ trả em có 100.000 đồng”.

Để công việc dọn nhà được hiệu quả nhanh chóng và tránh bị chủ chơi xấu, Trà đã rủ hai bạn cùng lớp làm thành một đội “không chuyên”. Bất kể có nhà nào gọi lau nhà nhóm của Trà cũng nhận làm. Trà chia sẻ: “Bọn em làm việc theo nhóm hiệu quả hẳn lại không sợ nhà chủ bắt nạt. Gần tết thế này nhu cầu lau dọn nhà tương đối cao, nên bọn em cũng đã có được vài hợp đồng rồi. Nhưng việc này vất vả và tốn nhiều thời gian lắm, một ngày làm cật lực lại bị chủ nhà soi mói, mỗi đứa em cũng chỉ được trong khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng thôi”.

Còn các bạn nam sinh viên thường chọn công việc chạy bàn, bảo vệ, hay bán hàng Tết. Những ngày tết nhu cầu mua sắm, ăn uống của người dân đều rất cao nên các bạn sinh viên đều bị nhà chủ vắt kiệt sức với đồng lương ít ỏi.

Nguyễn Tuấn Nguyên sinh viên trường ĐH Hà Nội may mắn tìm được việc chạy bàn cho quán nhậu trên đường Nguyễn Trãi với giá 120.000/ca 5 tiếng. Nguyên dự định sẽ làm thêm cho đến tận Tết Âm lịch. Tuy nhiên việc chạy bàn những ngày lễ tết thực sự làm một nỗi vất vả lớn.

“Hôm thứ 6, thứ 7, quán em làm thêm không còn thừa một ghế trống. Cả quán có đến 5 người phục vụ bàn mà vẫn phải mướt mải mồ hôi. Đến tận 23h đêm mới vãn khách, gần 23h30 em mới được nghỉ. Chắc em cũng chỉ làm được mấy hôm tết dương lịch rồi báo nghỉ chứ thế này thì không còn chút sức lực nào để học bài nữa.” – Nguyên tâm sự.

Việc tranh thủ kiếm tiền trong những ngày lễ tết đã  nhọc nhằn lại lắm rủi ro khiến các bạn sinh viên tủi thân và dễ  bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy nhiều bạn sinh viên đã phải đầu hàng với dự định kiếm tiền trong những ngày lễ, tết và đành “thắt lưng buộc bụng” dồn tiền để đáp xe về quê ngay hôm sau.

VnMedia