Tục lệ kiêng kị ngày mùng 5 Tết

14/02/2013 07:59

Trong những ngày Tết thì có lẽ mùng 5 là ngày được nhiều người chú ý đến. Bởi theo dân gian thì đây là ngày không may mắn và bà con rất ít ra đường...

Ý nghĩa và tục kiêng kị trong dân gian từ bấy lâu nay đối với ngày đặc biệt này bắt đầu từ đâu và như thế nào.

Theo phong tục của người phương Đông, cùng với mùng 4, mùng 6 thì mùng 5 là ngày tết phụ sau ba ngày tết chính của dân tộc. Thường bà con đều dành thời gian thăm chúc Tết người thân, thầy cô, bạn bè và vui chơi những ngày trước đó. Còn đến với mùng 5 thì người ta ở nhà, một phần muốn được nghỉ ngơi để chuẩn bị khởi hành công việc ở ngày tiếp theo, một phần người ta kỵ ra đường vào ngày này.

"Mình cũng có nghe nói ngày mùng 5 là ngày kỵ ra đường hay làm gì đó. Chuyện tin hay không thì mình cũng thấy nó nửa ngờ, nửa vực thôi chứ thấy nó cũng bình thường", anh Lê Thanh Hải, người dân quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ nêu chính kiến của mình.

Riêng chị Nguyễn Thị Mỹ Tuyết, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang thì cho rằng: "Vấn đề này tùy theo quan điểm của mỗi người thôi, với mình thì mình thấy nó không quan trọng. Mùng năm cũng là Tết và mình nghĩ nó cũng là ngày may mắn!"

Thực tế trong quan niệm dân gian vẫn còn nhiều người rất tin vào những điều không may mắn của ngày mùng 5. Vì thế, ít khi người ta chọn ngày này để ra đường, đi mua sắm hay khởi hành công việc,…Theo những người am hiểu về tục kiêng kỵ liên quan đến ngày mùng 5, thì quan niệm nói trên đã có từ rất lâu.

"Nói đúng theo sách xưa, mùng 5, 14, 23 người ta có câu "Mùng 5, 14, 23 đi đâu về vậy, chẳng ra chuyện gì". Bởi vì dân gian ngày xưa người ta sợ bệnh tật, tai nạn lắm nên người ta phải đi coi thầy để chọn ngày xuất hành. Bây giờ dân còn tin, nhưng cũng có một số người - người ta cũng không tin bị vì người ta hiểu khoa học rồi", ông Lê Văn Bường, người dân phường An Hòa, quận Ninh Kiều phân tích.

Với Tiến sĩ Trần Văn Nam - người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian thì tính kiêng kỵ trong cộng đồng vào ngày mùng 5 còn có nguyên nhân sâu xa của nó.

"Số 5 này nó tương đương với ngũ hành mà các nhà nghiên cứu gọi nó là tham thiên lưỡng địa. Đây là con số linh thiêng nên người ta vừa kinh nể vừa sợ nó. Thêm cái nữa, con số này nó ứng với hành thổ là ứng với vua nên người ta kỵ ngày này người ta không dám ra đường", Tiến sĩ Trần Văn Nam, Khoa Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Trường ĐHCT lý giải.

Ngày nay, trước nhịp sống công nghiệp người ta cũng không còn đặt nặng vào tục kiêng kỵ như trước đây. Với mọi người, mùng 5 cũng là một trong những ngày Tết có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc tận dụng nó như thế nào để trở thành một ngày ý nghĩa cùng với người thân, gia đình và bạn bè của mình trong dịp Tết thì còn tùy thuộc vào mỗi người.

VTV Cần Thơ

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!