U22 Việt Nam luôn chơi bóng vì người hâm mộ

18/05/2023 22:24

U22 Việt Nam cũng đấu với Indonesia một trận cực kỳ căng thẳng nhưng đã không để lại điều đáng tiếc nào giống với cặp Thái Lan – Indonesia.

Sự "nổi tiếng" đáng buồn

"Ẩu đả hàng loạt & thẻ đỏ trong trận chung kết cúp hỗn loạn giữa Thái Lan và Indonesia!"

"Vụ tranh cãi trọng tài lớn nhất năm: còi kết thúc trận đấu, Indonesia ăn mừng, sửa sai, Thái Lan hòa... và hỗn chiến!"

"Vinh quang của Indonesia đã bị lu mờ bởi những cảnh tượng đáng xấu hổ trên sân đấu"

Đấy là những gì thế giới nhìn và nhận xét, về trận Chung kết môn bóng đá nam SEA Games 32 giữa U22 Thái Lan với U22 Indonesia.

Đầu tiên là dòng tựa đề một bài báo của tờ Sky Sports vốn nổi tiếng toàn cầu. Tiếp theo là tựa đề một bài báo, của tờ Marca, nổi tiếng khắp Tây Ban Nha, và cũng nổi tiếng toàn cầu. Thứ ba là tựa đề một bài báo của ESPN, cũng là tờ báo nổi tiếng khắp thế giới.

Nhìn U22 Thái Lan loạn đả Indonesia mới thấy tầm nhìn bầu Đức đáng giá nhường nào - Ảnh 1.

Cầu thủ U22 Indonesia va chạm với thành viên Ban huấn luyện U22 Thái Lan (Ảnh: Như Đạt).

Bóng đá Đông Nam Á vốn không được thế giới chú ý nhiều. Nhưng chỉ sau một đêm, bóng đá nam tại SEA Games 32 bỗng nổi tiếng khắp thế giới "nhờ" trận Chung kết. Chỉ có điều sự nổi tiếng ấy thật đáng buồn.

AFC – Liên đoàn bóng đá châu Á, khi đưa tin về trận Chung kết trên trang chủ, đã phải cố tình lờ đi màn ẩu đả vô cùng đáng xấu hổ, không chỉ giữa các cầu thủ mà chủ yếu là giữa… Ban huấn luyện đôi bên.

Để rồi sau đấy, AFC đưa ra tuyên bố: "AFC thất vọng vì sự hỗn loạn trong trận Chung kết bóng đá SEA Games 32. AFC nhấn mạnh tầm quan trọng của lối chơi đẹp mắt, công bằng, sự tôn trọng lẫn nhau và tinh thần thể thao. Chúng tôi sẽ không tha thứ cho tất cả các hành vi bạo lực như vậy".

Tới chính NHM bóng đá Thái Lan cũng không có chỗ cho nỗi buồn vì đánh rơi tấm HCV SEA Games 32. Bởi phần lớn trong số họ đang vô cùng bất mãn. Bất mãn vì tại sao đội nhà, từ cầu thủ tới HLV lại thiếu kiềm chế tới vậy, để tạo nên một màn loạn đả vô cùng đáng quên, đánh mất đi danh tiếng đẹp mà bóng đá xứ Chùa vàng đã tạo dựng nhiều năm qua.

Với bóng đá Indonesia, họ đang ngây ngất ăn mừng tấm HCV SEA Games sau 32 năm chờ đợi. Nhưng tấm HCV này đã không trọn vẹn, nếu chưa nói là có không ít vết mờ như ESPN nhận định.

Nụ cười U22 Việt Nam & tầm nhìn quý giá của bầu Đức

Trong lễ trao giải sau trận Chung kết, khi các cầu thủ Indonesia vừa cười vừa khóc ăn mừng với không ít khuôn mặt trầy xước hay phải dán băng urgo, các cầu thủ Thái Lan buồn thiu… thì thầy trò HLV Troussier vô cùng rạng rỡ nhận tấm HCĐ.

(Ảnh: Như Đạt).

Nghe có vẻ trái ngược vì tấm HCĐ là thấp nhất trong bộ ba huy chương. Nhưng quả thật, thầy trò ông Troussier cũng có lý do để nhẹ nhõm, thoải mái bước lên bục nhận giải.

Thứ nhất về chuyên môn, chúng ta cũng chỉ thua sít sao U22 Indonesia – đội vô địch, trong một trận đấu gay cấn, ngang bằng. Và nhìn U22 Thái Lan đấy, họ được đánh giá rất cao về chuyên môn, không phải cũng đã thua Indonesia đó sao và thậm chí còn theo cách khó coi hơn U22 Việt Nam nhiều.

Bên cạnh đó, ở loạt trận cuối cùng, U22 Việt Nam cũng đã thắng dễ U22 Myanmar, để lấy lại tinh thần sau thất bại cũng như an ủi NHM.

(Ảnh: Như Đạt).

Thứ hai, về tinh thần thể thao, rõ ràng trong 3 đội đoạt huy chương, U22 Việt Nam là đội thoải mái nhất. Các trận đấu đã trải qua, U22 Việt Nam đều thể hiện tinh thần quyết tâm nhưng chơi đẹp, cống hiến. Thậm chí, sau trận đấu giữa U22 Việt Nam vs U22 Thái Lan ở vòng bảng, chính một fan xứ Chùa vàng còn nhận xét: "U22 Thái Lan chơi thiên về an toàn hơn. Nhưng tôi thích cách của U22 Việt Nam. Họ luôn chơi vì NHM".

Với U22 Indonesia hay U22 Thái Lan, phía sau trận Chung kết, chắc chắn họ sẽ gặp không ít rắc rối bởi màn loạn đả đôi bên tạo ra.

Ngược về trận Bán kết, U22 Việt Nam đấu U22 Indonesia cũng cực kỳ căng thẳng, quyết liệt. Cầu thủ hai đội cũng có nhiều va chạm và U22 Indonesia cũng có một cái tên bị đuổi khỏi sân. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở đấy. Không có điều gì đáng tiếc xảy ra thêm.

Thực tế là bóng đá Việt Nam mỗi khi ra nước ngoài thi đấu, cũng rất hiếm khi tạo nên điều tiếng trong mắt bạn bè quốc tế.

Tới đây, lại nhớ những tuyên bố cực kỳ mạnh mẽ của bầu Đức, nhằm đề cao vấn đề đạo đức cầu thủ bên cạnh câu chuyện chuyên môn.

Như hồi năm 2018, khi Tăng Tiến vào bóng nguy hiểm với Duy Mạnh, bầu Đức đã phạt cực nặng "gà nhà" của mình và nói: "Tôi thà hy sinh một cầu thủ để giữ nhiều cầu thủ khác chứ không thể dung dưỡng cho bạo lực. Điều đó sẽ làm hư hại cả một nền bóng đá".

Nhìn U22 Thái Lan loạn đả Indonesia mới thấy tầm nhìn bầu Đức đáng giá nhường nào - Ảnh 4.

Bầu Đức đã tạo ra một lứa cầu thủ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có đạo đức tốt,
được NHM yêu mến.

Trong tâm niệm của mình, bầu Đức rất đề cao chuyện dạy văn hóa cho cầu thủ và đã thực sự làm như thế với tất cả các lứa của Học viện HAGL. Ông từng nói:

"Cầu thủ phải được học văn hóa rồi mới học bóng đá. Nếu không trở thành cầu thủ giỏi thì làm một người công dân tốt, còn đá bóng giỏi mà thiếu đạo đức thì cũng... vứt".

Thực tế là khóa một Học viện HAGL với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy… đã nổi tiếng Đông Nam Á và thậm chí cả châu Á, không chỉ vì tài năng mà còn cả ở phong cách thi đấu cống hiến, đẹp mắt, trong sáng.

Lứa cầu thủ ấy có thể còn nhiều mặt hạn chế, đôi khi còn bị chê là thi đấu quá "ngây thơ" dẫn tới thua thiệt. Nhưng chính sự ngây thơ của họ, từ những năm 2013, đã kéo rất, rất nhiều NHM Việt Nam trở lại yêu bóng đá quốc nội, sau một thời gian bỏ bê vì quá chán nản những vấn đề tranh cãi.

Ở thời điểm hiện tại, thực tế là không chỉ riêng bầu Đức mà rất nhiều người, nhiều nơi làm bóng đá khác của Việt Nam cũng đặt cao câu chuyện văn hóa, đạo đức.

Khi mới sang dẫn dắt bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo từng không gọi Quế Ngọc Hải lên tuyển. Lý do là vì ông thấy Hải "quế" thi đấu trên sân đôi lúc không đúng mực, hay cãi cọ trọng tài. Chính Quế Ngọc Hải cũng từng thừa nhận mình đã bị thầy Park nhắc khéo để thay đổi phong cách.

"Thầy Park và thầy Lee xem rất nhiều những trận đấu của tôi. Hai người đều nói với tôi một điều vừa thật vừa đùa rằng: Cậu là một người có chuyên môn tốt, nhưng đôi lúc hơi bị điên về nhiều cái thái độ, cử chỉ hay một số pha vào bóng. Thầy Park bảo tôi thi đấu rất tốt, nhưng nhiều lúc không kiểm soát được mình".

Nhìn U22 Thái Lan loạn đả Indonesia mới thấy tầm nhìn bầu Đức đáng giá nhường nào - Ảnh 5.

HLV Park Hang-seo là người nóng tính, máu lửa, luôn thúc đẩy cầu thủ chơi quyết tâm cao
 nhưng cũng quản lý họ không để mọi thứ đi quá xa ngoài khuôn khổ.

Trường hợp HLV Hoàng Anh Tuấn cũng khá giống ông Park Hang-seo. HLV Hoàng Anh Tuấn rất thẳng tính, luôn yêu cầu các học trò phải ra sân với quyết tâm cao độ. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn cũng rất nghiêm về câu chuyện đạo đức và phong cách thi đấu đặc biệt khi dẫn dắt cầu thủ trẻ. Ông không bao giờ thỏa hiệp với những cầu thủ có thái độ sinh hoạt sai trái và biểu hiện bạo lực hay thiếu chuẩn mực trên sân.

Mới đây, HLV đào tạo trẻ, đồng thời là trợ lý đội một của Hà Nội FC, Lê Đức Tuấn, cũng tâm sự về câu chuyện đào tạo con người, đào tạo cầu thủ:

"Chúng tôi làm thầy các em, không chỉ mất thời gian đào tạo chuyên môn. Mà chúng tôi còn luôn bên cạnh các em, dạy các em cách làm người. Chúng tôi uốn nắn các em về mọi thứ. Thời gian chúng tôi ở bên để dạy các em về chuyên môn, về cuộc sống còn nhiều hơn cả thời gian bên gia đình mình".

Dạy cầu thủ về chuyên môn đã khó, dạy họ làm người tốt còn khó hơn và chính các thầy cũng phải là tấm gương sáng để học trò noi theo. Nhưng đổi lại, giá trị của những cầu thủ vừa giỏi chuyên môn, vừa tốt đạo đức sẽ là rất xứng đáng!

Toquoc.vn

Nguồn: https://toquoc.vn/u22-viet-nam-luon-choi-bong-vi-nguoi-ham-mo-20230518150022242.htm.. Nguồn: https://toquoc.vn/u22-viet-nam-luon-choi-bong-vi-nguoi-ham-mo-20230518150022242.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!