Chân dung trùm Khánh 'trắng' một thời bá chủ giang hồ Hà thành
Theo đánh giá của nhiều tay anh chị đương thời, Khánh “trắng” cũng chỉ xưng hùng, xưng bá được ở khu vực nội thành.
Chỉ một lần bước chân ra khu vực vành đai, gã giang hồ vốn được coi là số một Hà Nội đã suýt nữa “không còn được quay về quê mẹ”, thậm chí còn trở thành lá bài để đối thủ lợi dụng trong canh bạc tranh giành quyền lực.
Lòng tham không đáy
Đầu những năm 1990, băng nhóm “xã hội đen” do Khánh “trắng” cầm đầu đã thâu tóm toàn bộ khu vực chợ Đồng Xuân và một số khu vực lân cận, trở thành một “thế lực đen” bậc nhất Hà thành.
Đặc biệt, trong bối cảnh khi đó, cuộc chiến tranh giành quyền bảo kê bến xe, bãi chợ, gọi tắt là “bến bãi” luôn là cuộc chiến vô cùng khốc liệt giữa các băng nhóm.
Thời kinh tế thị trường bắt đầu sôi động, dân anh chị núp bóng các nghiệp đoàn, tổ đội bốc xếp, vận chuyển kiêm bảo vệ. Dưới danh nghĩa của hoạt động hợp pháp này, những tay “đầu trâu mặt ngựa, ăn cơm tù nhiều hơn cơm nhà” thẳng tay bóc lột, “hút máu” bà con tiểu thương và những người vì hoàn cảnh mà phải bám vào bến bãi để sinh sống.
Ông trùm Khánh "trắng" một thời bá chủ giang hồ Hà Thành.
(Ảnh: Báo Giáo dục Việt Nam).
Đối diện với những gã giang hồ tàn bạo, chỉ quen “nói chuyện” bằng thói côn đồ và dao kiếm, những người dân lương thiện hầu hết đều chấp nhận thỏa hiệp để được yên ổn làm ăn.
Với các khu vực bến bãi, luật pháp thời đó còn có một số kẽ hở, trong khi nhiều người dân mang tâm lý “chờ được vạ thì má đã sưng”, bị chèn ép mà không dám báo chính quyền nên bọn côn đồ cứ mặc sức “làm mưa làm gió”.
Dễ kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt của dân lành, đương nhiên, miếng mồi béo, cái bánh ngọt bao giờ cũng thu hút nhiều đàn sói. Ở các khu vực bến bãi khi manh nha xuất hiện những hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, việc các băng nhóm giang hồ thanh toán, đụng độ nhau xảy ra như cơm bữa.
Riêng tại khu vực chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên và vài vùng lân cận, với sự ranh ma, tinh quái của một kẻ từng phải trả giá nhiều trong các hoạt động phi pháp, Khánh “trắng” đã dần dần chiếm được ưu thế.
Cho đến khoảng những năm 1993, Khánh được coi là một trong những “ông vua không ngai” của giới giang hồ Hà Nội.
Tuy nhiên, những kẻ trong chốn giang hồ dường như luôn có điểm yếu là lòng tham không đáy. Đè đầu cưỡi cổ bà con tiểu thương các chợ nội thành chưa đủ, Khánh “trắng” không ít lần dòm ngó sang các địa bàn khác.
Hậu quả là gã đã từng bị tạt axít vào mặt cũng bởi ân oán của những cuộc tranh quyền, đoạt lợi này. Suýt mù mắt nhưng Khánh “trắng” vẫn chưa từ bỏ tham vọng vươn dài cánh tay tội ác của mình.
Trong quá trình hoạt động, Khánh từng nhòm ngó tới các khu vực như bến xe Long Biên, ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội)... thậm chí từng đưa 30 đầu gấu vào TP.HCM định gây thanh thế với băng “xã hội đen” do Năm Cam cầm đầu.
Khánh bay vào TP.HCM trước để nắm tình hình, đàn em đi tàu hỏa vào sau. Nhưng rồi một số “quân sư” đã phân tích điều hơn lẽ thiệt nên Khánh “trắng” lặng lẽ rút quân.
Hải “CKC” và Đông “chém”
Năm 1993, một trong những địa bàn Khánh “trắng” dòm ngó tới là khu vực bến xe phía Nam (còn gọi là bến xe Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Là bến xe đầu mối vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa từ các tỉnh phía Bắc đi phía Nam, đầu mối tập kết người và hàng hóa từ các tỉnh trước khi vào nội thành. Trong bối cảnh cuộc chiến bến bãi như đã nói ở trên, các băng nhóm giang hồ tranh giành nhau rất quyết liệt.
Tự tin vào “cái oai” của mình ở khu trung tâm phố cổ, Khánh “trắng” đã nhiều lần bắn tin đến giới anh chị ở đây rằng mình sẽ xuất hiện để dàn xếp các tranh chấp.
Có lẽ, trong mắt Khánh “trắng”, các băng nhóm ở bến xe phía Nam giống như đám du côn làng, sẽ phải lóa mắt mà sợ hãi “ánh sáng” từ một đại ca “phố lớn” như mình. Chính cái sự nhầm lẫn tai hại này đã khiến Khánh suýt nữa phải trả giá đắt.
Cũng như mọi bến bãi khác, khu vực bến xe phía Nam cũng đã chứng kiến nhiều cuộc thư hùng của giới giang hồ. Lại thuộc khu vực vành đai của nội thành, giáp ranh nhiều vùng phụ cận nên càng phức tạp với sự xuất hiện của nhiều băng nhóm: Giang hồ khu vực Văn Điển, Thường Tín (Hà Tây, nay là Hà Nội), giang hồ Đuôi Cá, Giáp Bát, các băng nhóm ở Trương Định, Định Công...
Như thế, nếu xét về mặt hỗn loạn, không có kiểm soát thì các bến bãi thuộc khu vực nội thành khó có thể so sánh được. Cho đến trước khi bị Khánh “trắng” dòm ngó, khu vực bến xe phía Nam vẫn chưa thực sự có một ông trùm.
Chỉ có hai người tương đối có “tiếng nói” nhất bởi thường đứng ra dàn xếp các vụ ân oán băng nhóm ở đây, đó là Hải “CKC” và một nhân vật ít xuất hiện công khai, đàn anh của Hải tên là Đông “chém”.
Hải “CKC” tên đầy đủ là Vũ Thế Hải (SN 1960, ngụ ở phố Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng). Hải là tay anh chị được giới giang hồ Hà thành rất nể trọng.
Theo đánh giá của nhiều nhân chứng, Hải thuộc số ít những giang hồ sống khá nghĩa khí, thường nhiều lần đứng ra để dàn xếp không công một số vụ xích mích giữa các băng nhóm quen biết. Tất nhiên, là dân anh chị, Hải “CKC” cũng có bề dày thành tích “đâm chém” và đã phải trả giá bằng vài lần đi “bóc lịch”.
Thời ấy, Hải thường sử dụng “hàng lạnh” là một lưỡi lê được tháo ra từ súng CKC và gã có biệt hiệu “CKC” là vì thế.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng Hải sớm sung vào đội quân áp tải hàng đi các tỉnh phía Bắc. Lạng Sơn là điểm cuối của các cuộc hành trình nên có lẽ Hải đã gặp đại ca Đông “chém” trong những lần áp tải hàng như thế.
Cho đến giờ, vẫn không ai rõ Đông “chém” tên họ đầy đủ là gì, chỉ biết rằng, gã là người Lạng Sơn và sinh khoảng đầu những năm 1950. Một số chiến hữu của Hải “CKC” khẳng định đàn anh Đông “chém” là một tay lão luyện trong nghề buôn bán hàng quốc cấm.
Những năm sau đổi mới, Đông đi lại như con thoi bằng đường tiểu ngạch qua Trung Quốc và vận chuyển một số lượng rất lớn hàng hóa từ phía bên giới phía Bắc vào thị trường nội địa. Đương nhiên, hoạt động phi pháp này đã mang lại cho Đông cực kỳ nhiều tiền.
Vừa là tội phạm vừa là con buôn, biết tung tiền “bẩn” để tạo dựng mối quan hệ, Đông “chém” cũng là nhân vật được nhiều giang hồ cộm cán ở Hà thành biết tiếng. Gặp gỡ Hải “CKC” trong những lần gã này áp tải hàng, Đông nhanh chóng quý mến tính “nghĩa khí” của thằng em ít tuổi.
Để rồi khi mở thêm một số mối làm ăn ở Sài Gòn, khi trung chuyển hàng hóa tại bến xe phía Nam, Đông đã quyết định “cắm” Hải nắm địa bàn. Tung tiền vào các mối quan hệ, cùng với tên tuổi sẵn có của Hải “CKC”, ở bước đầu này, Đông “chém” phần nào đã “dựng” đàn em thành một thế lực khá lớn ở bến xe phía Nam.
Tiếng là thế, nhưng vì cái sự hỗn loạn như đã nói ở trên, dân anh chị bến xe phía Nam, nể thì có nể nhưng vẫn chưa hẳn coi Hải “CKC” là anh cả. Như thế, Đông “chém” và Hải “CKC” vẫn chưa thể nắm được quyền kiểm soát bến xe phía Nam.
Và việc Khánh “trắng” vươn cánh tay đến đã trở thành cơ hội không thể tốt hơn cho cặp bài trùng này. Có thể nói là “nhất cử lưỡng tiện”, “một mũi tên trúng hai đích”.
Đương nhiên, cuộc đấu với ông trùm chợ Đồng Xuân cũng đòi hỏi một cái đầu lạnh và sự bản lĩnh mà không phải tay anh chị nào cũng dám “chạm vào lửa”...
Tin Sao
- Hoàn cảnh hiện tại của tình cũ Phạm Băng Băng - Lý Thần: Không con, bố mẹ ly hôn, hiện 46 tuổi vẫn độc thân, 5 bạn gái cũ đều xinh đẹp
- Sao nam nổi tiếng lấy vợ hơn 7 tuổi, chịu nhiều thị phi và cuộc biến mất khỏi showbiz
- Thực trạng đau lòng hiện tại của 200.000 diễn viên quần chúng ở phim trường Hoành Điếm: thiên đường cho kẻ lười biếng, thế giới của kẻ độc thân
- Puka lỡ hớ miệng lộ chi tiết bầu bí con đầu lòng?
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”