Nhiều người xắn tay đi buôn, 'hốt bạc' tháng cận Tết

15/12/2022 15:19

Những ngày cận Tết là cơ hội để cho các "ông – bà chủ" tận dụng, thử thách bản thân ở những ngành nghề mới, cũng như tìm kiếm lợi nhuận chỉ trong một thời gian ngắn.

Tết 2023 cận kề cũng là lúc nhu cầu mua sắm của mọi người tăng cao. Vì vậy, mức tiêu thụ hàng hóa vào thời điểm này tăng đột biến và cũng là cơ hội để cho các "ông – bà chủ" tận dụng, thử thách bản thân ở những ngành nghề mới cũng như tìm kiếm lợi nhuận trong thời gian ngắn này.

Với kinh nghiệm buôn bán hoa Tết trong ba năm ở lại đây, năm nay, chị Tuyết Nhung (35 tuổi) đã bắt đầu rục rịch tìm mối hoa để bán Tết.

Nhiều người xắn tay đi buôn,

Nhiều người "hốt bạc" vì buôn hoa dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Mai

Là giáo viên của một trường tiểu học tại tỉnh Yên Bái, với mức lương chỉ vài triệu đồng một tháng, lại không có lương thưởng tháng 13. Vì muốn có một cái Tết đầy đủ và ấm áp hơn, ba năm trở lại đây chị Nhung năm nào cũng bán hoa Tết từ những ngày 20 tháng Chạp.

"Công việc bán hoa Tết cũng giúp vợ chồng tôi kiếm thêm được khoảng 15-20 triệu đồng. Thường thì sẽ bán từ ngày 20 đến chiều 30 tháng Chạp. Chỉ bán tầm chục ngày nhưng vì nhu cầu mua hoa cắm ngày Tết của mọi người rất lớn nên thu nhập cũng khá", chị Tuyết Nhung chia sẻ.

Chị Nhung cũng cho biết thêm, loại hoa chủ đạo vợ chồng chị bán hằng năm là ly, lay ơn (dơn), hồng, cúc, bởi những loại hoa này "chơi" được lâu mà giá cả lại phải chăng. Năm nay chị dự định sẽ nhập thêm một số loại hoa theo trào lưu như tuyết mai, cát tường, thanh liễu, hải đường…

Nhiều người xắn tay đi buôn,

Chị Thanh Loan cũng kiếm được gần 30 triệu đồng nhờ làm tháp tài lộc và giỏ bánh kẹo
để bán mỗi dịp Tết. Ảnh: NVCC.

Cũng là người có "máu" kinh doanh dịp Tết, chị Thanh Loan (33 tuổi, Lào Cai) cho biết, năm nay chị sẽ tự tay làm tháp tài lộc và giỏ bánh kẹo để bày bán ngày Tết.

Theo chị Thanh Loan, thông thường khách sẽ gửi mẫu trước và chị đi mua bánh, kẹo, rượu, bia… đồ trang trí về làm theo, nhưng cũng có những mẫu chị đích thân sáng tạo theo ý mình. Trung bình mỗi tháp tài lộc hay giỏ bánh kẹo sẽ có giá từ 300 nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy vào chất và lượng của từng loại.

"Năm ngoái tôi cũng làm tháp tài lộc để bán, nên năm nay đã có được một lượng khách quen. Hiện tại hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng tôi cũng đã có hơn 40 đơn đặt hàng. Chỉ lấy công làm lãi thôi vì không dám "ăn" lãi dầy từ khách, nhưng được cái khách tin tưởng nên cũng có nhiều đơn, tích tiểu thành đại, năm ngoái tôi cũng kiếm được gần 30 triệu đồng từ tiền làm tháp tài lộc và giỏ bánh kẹo Tết", chị Thanh Loan nói.

Nhiều năm trở lại đây, cứ đến dịp Tết là bà Lương Thị Lý (58 tuổi, Yên Bái) lại làm lạp xưởng để phục vụ gia đình và bán cho người quen. Vì là món ăn mất nhiều thời gian và công sức nên thường bà Lý chỉ tranh thủ làm vào dịp sát Tết.

Nhiều người xắn tay đi buôn,

Nhiều gia đình mỗi dịp Tết thu lãi về 150-200 triệu đồng từ việc bán lạp xưởng và thịt sấy. Ảnh: NVCC

Theo bà Lý, để làm được món ăn này cũng phải mất ít nhất 1 tuần, bởi mỗi công đoạn mua thịt, làm sạch, thái thịt hạt lựu, tẩm ướp, nhồi thịt, chia khúc rồi hun khói… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Chính vì vậy, mỗi dịp Tết bà cũng chỉ làm được khoảng 50kg cân lạp xưởng. 10kg sẽ dành để gia đình ăn Tết, còn lại 40kg sẽ dùng làm quà biếu và bán cho khách quen.

"Mỗi gia đình sẽ có một công thức làm lạp xưởng khác nhau, nên hương vị sẽ khác nhau. Như nhiều nhà sẽ cho hoa hồi, thảo quả, hạt xẻn vào để tăng hương vị Tây Bắc, có nhà lại chỉ tập trung vào thành phần gia vị là tỏi, ngũ vị hương, rượu… Tôi làm chủ yếu là để phục vụ cho nhu cầu của gia đình vì sức khỏe có hạn, còn ở huyện tôi, rất nhiều nhà tranh thủ kinh doanh lạp xưởng và thịt sấy ở giai đoạn trước Tết. Thậm chí nhiều gia đình có mối đổ buôn đi nhiều tỉnh trong cả nước, mỗi dịp Tết thu lãi về 150-200 triệu đồng là bình thường", bà Lý cho hay.

Dịp cuối năm, không chỉ là những công việc mang tính thời vụ, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, bánh kẹo, thực phẩm, đặc biệt các cửa hàng chăm sóc sắc đẹp (tóc, móng, da) làm không hết việc.

Một chủ tiệm Hair - Nail tại Khu đô thị Xa La, Hà Đông cho biết, cứ đến dịp cuối năm là cửa hàng phải tìm thêm nhân viên phụ. Bởi nhu cầu làm đẹp đối với chị em dịp cuối năm là rất lớn.

Nhiều người xắn tay đi buôn,

Nhiều bạn trẻ chọn kinh doanh lịch dịp Tết. Ảnh: Quỳnh Mai

"Cả năm chỉ có vài ngày Tết nên ai cũng muốn được ăn diện, chính vì vậy nhu cầu làm tóc và móng của chị em dịp cuối năm rất "khủng". Có những ngày chúng tôi làm từ 6h30 sáng đến 11h đêm mới xong việc, thậm chí không có thời gian ăn tối hay ăn trưa. Con cái thời gian này cũng phải gửi về quê cho ông bà chăm giúp hoặc thuê giúp việc", chủ tiện Hair – Nail cho biết.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, thời điểm trước tết hay trong dịp Tết rất nhiều bạn trẻ trở thành ông – bà chủ ngắn hạn, để kinh doanh nhiều mặt hàng mang tính thời vụ như mứt tết, muối, diêm, bật lửa, bóng bay, lịch Tết, lì xì,… Với việc kinh doanh thời vụ này, nhiều bạn trẻ cho biết sẽ thu được một khoản kha khá, đủ để tiêu Tết và lì xì cho ông, bà, bố mẹ. Nếu tiêu tiết kiệm, nhiều bạn không phải lo đến 2 tháng tiền học phí của học kỳ II.

Tại buổi Tọa đàm "Việc làm của người lao động trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu đơn hàng - Thực trạng và giải pháp" do Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện nay tình hình kinh tế khủng hoảng khiến nhiều doanh nghiệp cắt giảm đơn hàng, lao động mất việc phải về quê trở thành một bài toán lớn khi chỉ còn hơn một tháng là Tết.

Ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho rằng, chỉ trong hơn 1 – 2 tháng qua thị trường lao động chuyển biến nhanh. Thống kê 10 tháng đầu năm, hơn nửa triệu lao động bị cắt giảm việc làm. Dự kiến trong tháng 12 đến đầu năm sau sẽ có thêm 88 doanh nghiệp tiếp tục sa thải hơn 15.000 lao động và hơn 270.000 người bị giảm giờ làm.

Theo ông Tiến, 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với 42.000 gia đình bị ảnh hưởng. Mỗi công nhân, lao động có 1-2 người phụ thuộc thì tính ra có hơn 100.000 người bị ảnh hưởng. Nếu nhân với hơn nửa triệu công nhân bị cắt giảm giờ làm thì con số càng lớn hơn nữa. Trong đó hơn 35.000 lao động nữ và hàng nghìn công nhân đang mang bầu, nuôi con nhỏ.

Điều tra của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy, 42% công nhân không có nhà, 54% không có đất ở, 59% công nhân không có một đồng tích lũy. Số khác có tích lũy nhưng chỉ đủ sinh sống trong 3 tháng. Điều này đồng nghĩa tuần trước họ mất việc thì tuần sau không còn tiền đóng trọ, đóng học cho con. 38% công nhân nợ nần và 14% trong số đó khó trả nợ đúng hạn, dễ sa vào tín dụng đen. Theo dự báo thời gian tới (năm 2023) vẫn còn nhiều tín hiệu xấu.

 

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-xan-tay-di-buon-hot-bac-thang-can-tet-162221215103232.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nhieu-nguoi-xan-tay-di-buon-hot-bac-thang-can-tet-162221215103232685.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác