Bà Diệu Hiền: Từ huyền thoại đến sự thật

10/03/2012 09:13

Công ty CP thủy sản Bình An vắng lặng. Miếu thờ, tượng “ông cá bà cá”, công trình tưởng nhớ sản vật vùng sông nước miền Tây của bà Diệu Hiền vẫn uy nghi. Dư luận thắc mắc, dù bà Diệu Hiền chữa khỏi bệnh, thì liệu có trả nổi số tiền hơn 1.500 tỷ đồng?

Quả bom nợ mà Công ty Bình An để lại tương đương với 50.000 căn nhà tình nghĩa, hàng vạn cây cầu để giúp cho hàng triệu đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa thuộc đồng bằng sông Cửu Long...

Thời vàng son của Công ty Bình An

Sớm nổi ...

Hơn năm năm trước, Công ty cổ phần thủy sản Bình An được xem là “hiện tượng” của ngành thủy sản cả nước. Tên tuổi của nữ tổng giám đốc kiêm chủ tịch hội đồng quản trị vượt xa vùng sông nước miền Tây. Ngay lúc đó, rất nhiều bài báo đã viết về doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền như cứu tinh của hàng chục ngàn nông dân miền Tây. Một bài báo ví von bà Diệu Hiền là người đàn bà thờ cá. Tiếp xúc với báo chí, bà Diệu Hiền kể lại ngày ra đời đầy huyền bí: “Lúc mới sinh được vài ngày, cha tôi hy sinh. Tôi được má Năm làm nghề bán củi nuôi. Chưa kịp đặt tên, giặc tổ chức nhiều cuộc càn, đứa bé được bồng xuống hầm bí mật. Cán bộ tỉnh ủy và mọi người lo lắng sợ đứa bé khóc. Kỳ lạ thay, khi nhà sư bế lên cầu nguyện, đứa bé ngủ ngon lành. Suốt mấy giờ quân địch càn, đứa bé như được ru ngủ. Giặc rút, nhà sư bồng đứa bé ra khỏi hầm và nói: “Đứa bé này có căn Phật. Sau này lớn lên nó đi ở cửa chùa. Tôi đặt cho nó tên là Diệu Hiền. Và tên Phạm Thị Diệu Hiền có từ đó”.

Về những ngày gian khó, bà Hiền cho rằng: “Những ngày tập tễnh kinh doanh gỗ bị thất bại, tài sản bị trộm vơ sạch, trong nhà chỉ còn vài chiếc lọ pha lê. Lúc bấy giờ tôi ám ảnh câu “muốn vay gạo thì phải có thóc” và quyết định “chơi ván cuối cùng”. Tôi nhặt mấy chiếc bình pha lê còn sót lại đem bán được bảy trăm ngàn đồng và thêm một triệu đồng vừa đòi nợ được ra cửa hiệu mua bông tai, nhẫn, dây chuyền... giả mạ vàng, một bộ quần áo đẹp, son môi và một giỏ bánh kẹo về vùng quê chợ Gạo. Nhìn bộ dạng Việt kiều, nhiều người xúm lại nhận quà của tôi. Cung cách tiêu tiền và cư xử của tôi khiến mọi người nghĩ tôi đang ăn nên làm ra, liền góp vốn làm ăn. Trong một ngày, tôi vay được của bà con thân tộc và hàng xóm 11 cây vàng. Nhờ đó mà đổi đời. Nợ gốc và lãi của bà con, tôi trả đầy đủ”.

Sau khi khánh thành đến nay, viện nghiên cứu thủy sản không có công bố mới

Không biết những lời bà Hiền kể có đúng sự thật hay không nhưng người dân huyện Long Mỹ, Hậu Giang vẫn không quên được gia cảnh của bà. Nhà nghèo, phải buôn gánh bán bưng để có hạt cơm ngày hai buổi, đùng một cái tên tuổi Diệu Hiền nổi như cồn ở đồng bằng sông Cửu Long với hàng loạt sáng kiến giúp nông dân đổi đời. Sau khi thực hiện nhiều khu dân cư Diệu Hiền ở TP.Cần Thơ và Sóc Trăng, năm 2005 Công ty Bình An chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ra đời với vốn điều lệ 500 tỷ đồng; hai trung tâm nuôi trồng ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long; một nhà máy phụ phẩm và viện nghiên cứu thủy sản cùng hàng loạt dự án lớn mà bà Diệu Hiền khoe với báo chí như: Bình An House 1 (tại số 83 đường Nguyễn Văn Trỗi) và Bình An House 2 (đường Cao Thắng, TPHCM).

... Chóng tàn

Theo báo cáo lúc bấy giờ, doanh thu của Công ty Bình An hàng chục triệu đô. Thế nhưng, thống kê của các cơ quan chức năng TP.Cần Thơ, trong ba năm nay, mỗi ngày Công ty Bình An trả lãi một tỷ đồng. Mang nợ đầm đìa nhưng cách tiêu tiền của Tổng giám đốc Diệu Hiền làm nhiều người lóa mắt. Tháng 7-2010, công ty chính thức khánh thành Viện nghiên cứu thủy sản Bình An, vốn điều lệ hơn 114 tỷ đồng với 20 giáo sư, tiến sĩ cả nước tham gia làm ủy viên hội đồng nghiên cứu. Ngày khánh thành, người dân Cần Thơ xem sô diễn văn nghệ hoành tráng. Từ ngày đưa vào sử dụng đến nay, viện chưa công bố một công trình, kế hoạch nào. Có chăng viện chỉ là căn biệt thự đồ sộ nằm im lìm trong khuôn viên Nhà máy chế biến thủy sản Bình An.

Tuy mang nợ khủng nhưng bà Diệu Hiền lại tiếp tục mang nợ khi khánh thành quảng bá nhà máy Collagen không đạt hiệu quả

Giữa lúc thiên hạ lao đao vì khủng hoảng, ngày 30-6-2011 bà Diệu Hiền làm doanh nghiệp cả nước ngạc nhiên khi tổ chức khánh thành Nhà máy nước uống Collagen đầu tiên tại Việt Nam. Một doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, Công ty Bình An lâm vào tình cảnh mất cân đối một phần do đầu tư, quảng bá thương hiệu Collagen trong khi thị trường tiềm năng không có. Ngay sau khi quảng bá rầm rộ trên cả nước với đại sứ thương hiệu là ba nghệ sĩ khá nổi tiếng, bà Diệu Hiền ký hợp đồng quảng bá với Trung tâm Paris by night để tìm kiếm thị trường nhưng đến nay không đạt hiệu quả.

Ngay tiệc tổ chức đám cưới cho con trai, trước lúc âm thầm ra nước ngoài chữa bệnh vài ngày bà Diệu Hiền đã để lại món nợ hàng ngàn tỷ đồng, bà còn cao ngạo trả lời với báo chí: “Cá nhân tôi không nợ nần với nông dân. Nếu nợ thì công ty và cổ đông nợ”, trong khi bà làm tổng giám đốc. Giải thích về việc tổ chức đám cưới cho con với đoàn siêu xe diễu hành từ TP.Cần Thơ đến TPHCM và ngược lại: “Tôi tổ chức dàn siêu xe để đưa rước dâu chứng tỏ không nợ nần ai. Tôi định mượn máy bay của bầu Đức (tức ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) để rước dâu nhưng hôm đó anh Đức bận”. Tuy nhiên, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: “Tôi không biết chị Diệu Hiền là ai. Chị không quen biết với tôi, thậm chí không có số điện thoại của nhau thì làm sao đặt vấn đề mượn máy bay được”.

Hiện nay, theo lời của Tổng giám đốc Công ty Bình An được bà Diệu Hiền ủy quyền, ông Trần Văn Trí hứa sẽ gọi điện cho vợ về để giải quyết chuyện nợ nần. Những nông dân mà bà Hiền còn nợ cầu mong như vậy. Họ hy vọng bà Hiền đừng chơi ván cuối cùng với kế sách “muốn vay gạo phải có thóc” để rồi thất hứa với những người một nắng hai sương. Vì nhà bà đang ở, xe bà đang đi... có những giọt mồ hôi, nước mắt của người nông dân nuôi từng con cá thì không lý do gì họ bị tước đoạt quyền lợi.

CA TP. HCM