Chưa xử phạt xe không chính chủ
Lực lượng CSGT khẳng định không dừng xe trên đường để kiểm tra và xử lý xe không chính chủ
Hôm qua (15/4), quy định của Bộ Công an xử phạt hành vi không làm các thủ tục chuyển nhượng, sang tên đổi chủ phương tiện chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, lực lượng CSGT khẳng định không dừng xe trên đường để kiểm tra và xử lý xe không chính chủ. Trong khi đó, lượng người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ tại các phòng đăng ký tăng đột biến…
Không dừng xe trên đường để kiểm tra chính chủ
Quy định xử phạt hành vi chậm làm các thủ tục chuyển nhượng, sang tên đổi chủ phương tiện (phạt xe không chính chủ) theo thông tư 11 của Bộ CA vốn đã gây tranh cãi ngay từ khi ban hành. Để thực hiện thông tư này, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (CSQLHC về TTATXH)- Bộ CA vừa có văn bản gửi lãnh đạo CA các địa phương, yêu cầu lực lượng CSGT không dừng xe trên đường để kiểm tra xe có chính chủ hay không; hoặc khi xử lý vi phạm, không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đó có chính chủ hay xe mượn của người thân, bạn bè...
Tổng cục CSQLHC về TTATXH cũng nêu rõ, không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định của thông tư số 12 quy định sửa đổi, bổ sung khoản 3, điều 20 của thông tư 36 về đăng ký, sang tên, di chuyển phương tiện đã qua nhiều đời chủ.
Với trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ, thông qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe hoặc xác minh để xác định hành vi vi phạm; không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh. Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện, nhưng không xác định có hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”, thì người có thẩm quyển phải ra quyết định xử phạt với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.
Trao đổi với Lao Động chiều 15/4, đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT, CA TP.Hà Nội - cho biết: Lực lượng CSGT Hà Nội khi làm nhiệm vụ chỉ xử lý những trường hợp vi phạm trật tự giao thông thông thường. “CSGT không được phép hỏi và kiểm tra, xử lý lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đối với người tham gia giao thông”. Theo trung tá Nguyễn Văn Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 1 địa bàn Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội) - thì ngày 15/4 không xử lý trường hợp nào chưa sang tên chính chủ.
Lãnh đạo Phòng CSGT- CA TPHCM cũng cho biết: Trong ngày đầu tiên, CSGT sẽ không dừng xe không chính chủ để kiểm tra, không xử phạt ngoài đường về hành vi này. Nếu phát hiện người điều khiển xe ngoài hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông mà không đúng tên trong giấy đăng ký xe, người vi phạm tự khai là xe của vợ, chồng, cha mẹ, con cái..., sau đó đến ngày xử lý vi phạm nếu người vi phạm chứng minh đúng là xe thuộc các trường hợp “người nhà” thì CSGT sẽ không xử phạt lỗi xe không chính chủ.
Trường hợp không chứng minh được thì người vi phạm sẽ bị xử phạt xe không chính chủ theo quy định. Trong ngày 15/4, lác đác có vài trường hợp “đi xe không chính chủ”, nhưng chưa xử lý vì phải chờ người vi phạm chứng minh đúng là xe chính chủ hay không.
Ngày 15/4, lượng người đến sang tên xe chính chủ tại TPHCM tăng đột biến
Lượng người đi sang tên xe chính chủ tăng đột biến
Theo ghi nhận chung thì dù chưa xử phạt đối với xe không chính chủ, nhưng ngày đầu tiên quy định này chính thức có hiệu lực, việc chấp hành quy định về trật tự giao thông của người dân đã có tiến triển tốt hơn.
Ngày đầu tiên ghi nhận một bất thường lớn: Lượng người đến làm thủ tục sang tên đối với phương tiện ôtô tăng đột biến. Theo trung tá Nguyễn Thảo - Đội trưởng Đội đăng ký xe Phòng CSGT, CA TP.Hà Nội - thì lượng người đến làm thủ tục sang tên và xin hồ sơ trong ngày 15/4 tăng gấp 6 lần ngày bình thường. Cụ thể, có tới 354 trường hợp đến làm thủ tục đăng ký phương tiện, trong đó có 266 người đến làm thủ tục sang tên.
Ngoài ra, có tới gần 300 người đến hỏi thủ tục, lấy tờ khai, hồ sơ để làm thủ tục sang tên trên đăng ký phương tiện. Cũng theo trung tá Thảo thì đội đã phải huy động gần 20 cán bộ, chiến sĩ làm thủ tục. Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, dự báo những ngày tới lượng người đến làm thủ tục sang tên chủ sở hữu phương tiện ôtô sẽ tăng cao. “CBCS làm công tác đăng ký, quản lý phương tiện phải tận tình hướng dẫn chủ phương tiện đến làm thủ tục. Với những hồ sơ còn thiếu, chưa hợp lệ, CSGT phải ghi vào mặt sau của tờ khai những thủ tục cần thiết để người dân biết, thực hiện” - đại tá Thắng khẳng định.
Tại TPHCM, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự. Thông tin từ các đội đăng ký xe, lượng người dân đến sang tên đổi chủ, để xe chính chủ tăng đột biến. Tuy lượng người đến làm thủ tục sang tên chính chủ tăng, nhưng CSGT đều giải quyết tốt, không để xảy ra ùn tắc và kéo dài thời gian chờ đợi.
“Trong thời gian tới, lực lượng CSGT không dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” đối với các phương tiện đang lưu thông trên đường. Việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ được thực hiện thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe theo quy định thì tiến hành xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm và cơ quan chức năng sẽ xử phạt đối với trường hợp quá thời gian 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) |
Tin Sao
- Hoa hậu Quế Anh bị chỉ trích vì tranh đọc tên với NSND Đào Bá Sơn, sự thật thế nào?
- Lệ Quyên bày tỏ quan điểm khi yêu: 'Nếu đã chia tay, sau 1 tiếng có thể yêu người khác'
- Trúc Nhân - Trấn Thành lại đụng độ, nam đạo diễn nghìn tỷ bị soi có thái độ lạ trước tin đồn cạch mặt
- Phương Trinh Jolie lộ diện sau sinh nở, nhan sắc tươi tắn gây chú ý
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”