Khi đàn ông là nạn nhân của bạo hành gia đình (1)

12/01/2012 10:27

Nhiều thì vẫn suy nghĩ thiển cận rằng nếu đàn ông "chẳng may" có bị lạm dụng thì cũng sẽ không gặp phải hậu quả nghiêm trọng như chị em.

Kỳ 1: Đàn ông thường nín nhịn, ít khi tố cáo

Nạn bạo lực chốn phòng the vốn chỉ được cho là xảy ra với phụ nữ, nhưng nay theo một cuộc khảo sát trên tờ Livescience đã cho thấy một điều hoàn toàn khác, đó là hiện nay đàn ông cũng đang phải hứng chịu tình trạng này và thậm chí tình cảnh của những đấng mày râu còn "thảm hại" hơn chị em rất nhiều...

29% đàn ông là nạn nhân

Cuộc khảo sát với hơn 400 đàn ông tại Mỹ tìm thấy 29% là nạn nhân của bạo hành gia đình, bao gồm bị tát, bị đánh, đá hay buộc phải quan hệ tình dục, bên cạnh những kiểu hành hạ vô hình như đe dọa, khống chế, hạ nhục. "Nạn bạo hành với đàn ông vẫn thường được che giấu và ít tìm hiểu, giống như ở phụ nữ 10 năm trước", nhà nghiên cứu đứng đầu Robert J. Reid tại Trung tâm nghiên cứu sức khỏe Seattle, Mỹ, cho biết: "Chúng tôi muốn đàn ông bị lạm dụng biết rằng họ không đơn độc". Theo các chuyên gia, đàn ông thường không muốn phản kháng lại và ít khi tố cáo tình trạng này, đặc biệt ở những người cao tuổi. Kết quả cũng góp phần xóa bỏ một số quan niệm sai lầm cố hữu trong xã hội rằng ít khi đàn ông bị bạo lực trong gia đình. Nhưng một thực tế phũ phàng đã phủ nhận điều này. Có tới 5% những người đàn ông được hỏi nói rằng họ đã bị hành hạ trong năm vừa qua và 29% từng bị một lần trong suốt cuộc đời.

Nhiều thì vẫn suy nghĩ thiển cận rằng nếu đàn ông "chẳng may" có bị lạm dụng thì cũng sẽ không gặp phải hậu quả nghiêm trọng như chị em. Nhưng thay vào đó, các nhà khoa học tìm thấy việc bạo hành tại gia gây nên những tổn hại nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe đàn ông. Theo đó, triệu chứng trầm cảm tăng gấp 3 lần ở đàn ông nhiều tuổi bị vợ hành hung. Khác với đa phần phụ nữ khi bị áp bức sẽ không ở lại mà bỏ đi. Thì thực tế, đàn ông vẫn ở lại nhiều năm với người bạn đời hung dữ. "Chúng ta vẫn cho rằng phụ nữ không muốn bỏ nhà là bởi họ còn phải chăm con và lo sợ cuộc sống một mình. Nhưng điều ngạc nhiên là đàn ông bị bóc lột cũng ở lại trong rất nhiều năm", Reid nói.

Hiện nay, bạo hành gia đình không chỉ ảnh hưởng tới người nghèo, mà nó đã trở thành vấn nạn chung của tất cả mọi người thuộc mọi ngành nghề khác nhau. Những người trong nghiên cứu đều có bảo hiểm y tế, cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, nguồn thu nhập ổn định và trình độ giáo dục cao, nhưng họ vẫn bị lạm dụng thường xuyên. Cũng theo kết quả điều tra nói trên cho thấy rằng những người đàn ông bị bắt nạt hiếm khi nói chuyện về vấn đề của mình là bởi họ cảm thấy xấu hổ do quan niệm xã hội luôn mong đợi đàn ông phải mạnh mẽ và tự chủ, từ đây một vấn đề lâu nay thường bị xã hội bỏ qua đã được xem xét lại...

Bạo hành gia đình nạn nhân là nam giới (Ảnh minh họa)

Cảnh sát thường tỏ ra bất công với cánh mày râu…

Bốn trong số 10 nạn nhân của bạo lực gia đình tại Anh là đàn ông và những lời tố cáo của các ông chồng thường bị cảnh sát phớt lờ do họ luôn tin rằng phụ nữ mới là nạn nhân thật sự. Kết quả cuộc nghiên cứu về vấn đề trên được công bố vào thời điểm có nhiều khiếu nại rằng pháp luật đối xử không công bằng với đàn ông. Một bộ chỉ dẫn mới dành cho các thẩm phán về sự công bằng tại tòa đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì coi nhẹ khả năng phụ nữ đánh đàn ông và thúc giục các thẩm phán và quan tòa nhẹ tay hơn với các bị cáo là phụ nữ. Cuộc nghiên cứu của nhóm hoạt động vì sự bình đẳng được thực hiện dựa trên đánh giá về số lượng nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình, với những số liệu thống kê của Bộ Nội vụ và Khảo sát tình trạng tội phạm Anh.

Theo nghiên cứu, con số trung bình mà nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình là 40%. Và rằng, trong năm 2008/2009, có 41.000 nam giới bị kết tội đánh vợ trong khi đó, con số này ở nữ giới chỉ là 2.700. Hơn một nửa số đàn ông bị đánh thành thương tích. Báo cáo về tình trạng các ông chồng bị vợ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay được công bố trong bối cảnh phản đối nổ ra, liên quan tới những chỉ dẫn mới nhất của Ban nghiên cứu pháp lý, vốn là cơ quan chịu trách nhiệm về đào tạo các quan tòa. Chỉ dẫn này cho rằng, bạo lực gia đình hầu hết gồm việc nam giới đánh nữ giới mà bỏ qua hoàn toàn việc nam giới cũng có thể là nạn nhân của những vụ bạo hành ngược. Mark Brooks, một thành viên của nhóm ManKind chuyên ủng hộ các nam giới là nạn nhân của bạo lực gia đình, cho biết: "Với một tài liệu đòi hỏi phải có sự công bằng về giới như vậy mà nó lại tạo ấn tượng rằng các nam nạn nhân chỉ là công dân hạng 2". Bạo lực gia đình xảy ra ở tất cả các nhóm xã hội và người gây ra bạo lực trong gia đình thường là đàn ông còn trẻ em, phụ nữ là nạn nhân. Tuy nhiên, cũng tồn tại những nạn nhân là nam giới. Nhưng, dù là ai đi nữa thì tất cả họ đều có điểm chung là im lặng. Để rồi chính từ sự nín nhịn này, đã có không ít người phải trả giá bằng tính mạng, sức khỏe của chính mình.

Khi nạn nhân không chỉ là… vợ

Không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, khi nói đến bạo hành gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến những người vợ, những người phụ nữ chân yếu tay mềm, chịu hậu quả bởi những cái tát của chồng nhưng thời nay, điều ấy không hoàn toàn là vậy… Những người đàn ông, những người một thời "hô mưa gọi gió" cũng đã trở thành nạn nhân của bạo lực bên cạnh số đông phụ nữ chịu bạo hành. Người ta đã quên những người đàn ông ngày ngày cần mẫn kiếm tiền nuôi vợ con, quên những con người có trách nhiệm với gia đình ấy và vô tình giáng luôn cho họ cái tội đánh vợ. Trường hợp của anh Công, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Mặc dù anh Công là người nổi tiếng gia trưởng lại khó tính nhưng đúng là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn". Anh lấy phải cô vợ đành hanh. Ngày yêu nhau, lúc nào vợ anh cũng tỏ ra mềm mỏng, nhẹ nhàng tình cảm, thậm chí anh nói gì là nghe dăm dắp. Đến mẹ anh là người khó tính vô cùng cũng bị cô ta thuyết phục. Về làm dâu được 2 tháng, lúc nào mẹ chồng cũng một lời con dâu, hai lời con dâu vì vợ anh ra vẻ rất biết tính toán tiền bạc, lo toan kinh tế gia đình. Vậy là tự dưng, cậu con trai ra rìa. Mỗi tháng đi làm về lại vợ anh lại chìa tay ra xin tiền, như là một khoản bắt buộc mà anh phải giao nộp. Công không tính toán điều đó mà thậm chí còn lấy làm mừng vì vợ mình được lòng mẹ. Dù sao anh cũng bớt đi cái nỗi lo mẹ chồng nàng dâu. Nhưng gần đây, không hiểu sao vợ anh đổi tính đổi nết hay tại bản tính đến bây giờ mới bộc lộ. Lúc nào cô cũng đay nghiến rằng anh đi làm về, lương lậu không để cho vợ con hưởng thụ, lúc nào cũng đưa cho mẹ. Nhưng Công nào có thế. Anh làm được 10 triệu thì đã đưa cho cô đến 8 triệu. Số còn lại anh còn phải để tiêu pha, quà cáp rồi bạn bè. Vậy mà vợ anh không nghe, cứ cho rằng anh mang tiền đi cho gái, cho anh em họ hàng hết. Thời buổi này với 2 triệu một tháng thì thử hỏi, có gái nào nó chịu theo đàn ông như anh?

Mới là có vậy nhưng lâu dần, vợ anh không còn dừng lại ở những lời lẽ đay nghiến anh nữa, cô đâm ra chửi đổng mẹ chồng rằng, nuôi con mà không biết dạy con. Bây giờ tiền bạc mang cho gái, lấy gì mà nuôi vợ con, lại còn cõng thêm mẹ già. Mẹ Công bây giờ mới vỡ lẽ ra cô con dâu láo lếu. Bà dù có ghê gớm cũng không thể trừng trị  nổi vì tuổi cao, sức yếu vả lại trước đây bà chiều con dâu nên cô đã "đi guốc" được trong bụng bà. Mỗi tháng đi làm về lại vợ anh lại chìa tay ra xin tiền, như là một khoản bắt buộc mà anh phải giao nộp. Bây giờ vợ công đòi 9 triệu rưỡi, tức là chỉ để lại cho anh đúng nửa triệu để nước non, chè chát. Công không đưa thì cô ta lại ăn vạ, làm ùm lum lên để cho hàng xóm láng giềng biết. Nhà Công sống tập thể nên không muốn ai biết chuyện vợ chồng cãi nhau. Vả lại, với hàng xóm, vợ Công là một người hiền lành, nết na, biết đối nhân xử thế, còn mẹ Công thì nổi tiếng ghê gớm, khó tính. Sẽ chẳng ai tin nếu anh mang chuyện vợ đi sang hàng xóm kể xấu. Có khi còn bị mang tiếng thêm. Vậy là anh đành ngậm ngùi…

Cuộc sống tuy không có "đao to búa lớn" nhưng cái kiểu hành hạ, ăn vạ nhau như thế khiến cho Công luôn luôn cảm thấy mệt mỏi. Anh không còn sức lực, không còn niềm tin vào vợ nhưng anh lại thương đứa con nhỏ. Một thằng đàn ông lại để cho vợ lấn lướt như thế, liệu có xứng với bản lĩnh mà bấy lâu nay Công vốn có? Áp lực tinh thần đè nặng lên đầu của Công khiến anh sống mà như một cái máy, chỉ biết đi làm, đưa tiền cho vợ nuôi còn và chấm hết… Không chịu áp lực như Công nhưng anh Tiến (Hải Dương) chia sẻ rất thật rằng, thi thoảng anh bị vợ dọa đánh và thậm chí là đã từng tát anh mấy lần khi anh cầm chìa khóa két sắt, giấu tiền không cho vợ lấy đi đánh lô đề. Có lần tự tay đánh chồng chán, vợ Tiến lại còn tụ tập thêm chị em chiến hữu ở đâu về để đánh hội đồng, bắt Chiến phải "nhả" tiền ra thì mới chịu dừng tay. Thế mới biết rằng thiên hạ lắm điều "thị phi", giờ đây lại có chuyện chồng bị vợ hành hung, thật đúng là cuộc sống muôn màu…

(Còn nữa)

PL&XH