Không để nạn lừa đảo hoành hành

13/01/2017 09:54

Việc lừa đảo để chạy vào các trường thuộc lực lượng vũ trang diễn ra có vẻ quá dễ dàng và không ít người bị lừa.

Ảnh minh họa nguồn internet.

Ảnh minh họa nguồn internet.

Sau rất nhiều phản ảnh của báo chí, tố cáo của người dân, sự xem xét cẩn trọng của cơ quan chức năng và các chứng cứ xác đáng, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố bị can đối với một người nguyên là Thượng tá, Phó trưởng phòng Cảnh sát hành chính về trật tự xã hội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Rất đáng chú ý trong vụ án “chạy” vào các trường công an này được thực hiện bởi một sỹ quan đang công tác trong ngành Công an.

Thêm nữa, việc “chạy” trường diễn ra tương đối công khai, có các “hợp đồng” rõ ràng, đủ tiêu đề, quốc hiệu, ngày tháng, chức vụ của người “chạy”, có cam kết, ghi rõ số tiền nhận và được thực hiện ngay tại phòng làm việc của ông này.

Mức độ tin cậy cao như vậy nên ông đã thu của những người “chạy” hàng tỷ đồng mà không thực hiện được bất cứ “hợp đồng” nào. Sự lừa đảo như vậy thật đáng quan ngại và cũng đáng tiếc là không được xử lý ngay khi mới bị phát giác.

Tương tự, vụ “chạy” vào các trường công an và quân đội do một phụ nữ ở Hà Nội thực hiện cũng diễn ra khá lâu, nhiều người bị lừa đảo và gần đây thì người phụ nữ này mới bị khởi tố bị can. Người phụ nữ này cũng có một vị thế khá tin cậy để người ta tin tưởng.

Bà ta tốt nghiệp thạc sỹ ở nước ngoài, từng làm việc tại một trường đại học tiếng tăm. Bà bị cáo buộc cầm đầu đường dây lừa đảo vào các trường thuộc lực lượng vũ trang, xin nâng điểm thi, xin việc làm,... với giá từ 150 đến 300 triệu đồng một suất.

Tổng số nạn nhân của đường dây lừa đảo này lên tới 100 người, ở 26 địa phương khác nhau và số tiền chiếm đoạt là trên 20 tỷ đồng.

Hai vụ việc trên đều có những điểm tương đồng là việc lừa đảo để chạy vào các trường thuộc lực lượng vũ trang diễn ra có vẻ quá dễ dàng và không ít người bị lừa.

Điểm nữa là việc lừa đảo này diễn ra một thời gian dài, nhiều người biết, thậm chí có cả đơn thư tố giác và tố cáo những việc xử lý xem ra quá ư cẩn trọng.

Như trường hợp người đàn bà chạy trường ở Hà Nội, các nạn nhân phải nhờ đến sự giúp sức của các luật sư thì mới đưa được người đàn bà lừa đảo này vào vòng tố tụng.

Các diễn biến trên cho thấy, những vụ việc bị phát giác chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, tình trạng “chạy” vào các trường công an, quân đội là có thật và đã từng diễn ra, có vụ thủ phạm đã bị xét xử, vào tù.

Thế nhưng, các vụ khác vẫn tiếp tục, người ta còn truyền tai nhau giá cả của từng trường. Đó cũng là một thực tế có cơ sở để cho bọn người lừa đảo và có nhiều người tin vào sự lừa đảo ấy.

Vấn đề quan trọng ở chỗ là làm thế nào để mọi người đều biết rằng, vào các trường như thế thì không thể “chạy” được. Như vậy, mới chấm dứt được tình trạng lừa đảo này!

Phapluatplus.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Error loading media: File could not be played
00:0000:0000:00
00:00