'Mê hồn trận' từ các cuộc gọi điện thoại lừa đảo bằng công nghệ cao

14/06/2019 15:06

Bên cạnh thủ đoạn giả trai Tây để lừa chị em phụ nữ, thì chiêu gọi điện thoại giả danh Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát… để dọa nạt, buộc bị hại chuyển tiền.

Nhận cuộc gọi "lạ" - mất ngay tiền tỷ

Gặp chúng tôi tại trụ sở Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, bà Trần Thị H. (SN 1955, trú tại TP Hà Nội) vẫn còn chưa hết bàng hoàng, tiếc nuối vì số tiền bao năm tích cóp, mong an hưởng tuổi già đã bay mất "trong vài nốt nhạc". Nghe câu chuyện của bà H., chúng tôi cũng thật sự bất ngờ trước thủ đoạn tinh vi của nhóm đối tượng.

Bà H. kể, khoảng một tuần trước bà nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại của một người đàn ông nói giọng miền Nam. Thỉnh thoảng con trai, con dâu của bà vẫn căn dặn bà không nên nghe những số điện thoại "lạ" kẻo bị lừa, song không hiểu vì sao hôm đó bà vẫn bắt máy.

Cán bộ Công an đang lắng nghe lời khai của bị hại để làm rõ sự việc.

Bà vừa "alo" thì phía bên kia tuôn ra một tràng: "Đây có phải là số của bà H., số CMND 14208xxx, do công an Hà Nội cấp?".

Khi bà H. vừa xác nhận: "Vâng, đúng là tôi đây" thì đối tượng lập tức giở giọng đe dọa: "Tôi là cán bộ thuộc công an TP Hồ Chí Minh, thông báo cho bà biết bà hiện có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Từ giờ bà cần phải làm theo mọi yêu cầu từ cơ quan công an, nếu không muốn bản thân và gia đình bị liên lụy. Nếu bà không làm điều gì xấu, chúng tôi sẽ trả lại sự trong sạch cho bà…".

Vốn mấy chục năm làm công chức nhà nước, chưa bao giờ dính dáng đến pháp luật nên nghe mình bị phạm tội, bà H. toát mồ hôi hột, và sốt sắng hỏi vị cán bộ kia xem mình phải làm gì để chứng minh sự trong sạch.

Đối tượng yêu cầu bà H. phải thống kê toàn bộ tài khoản các ngân hàng mà bà đang có, sau đó nhanh chóng gửi tất cả số tiền vào tài khoản của các đối tượng. "Cơ quan điều tra sẽ tiến hành kiểm tra số tiền này, nếu xét thấy không liên quan đến tội phạm sẽ lập tức chuyển lại". Đối tượng cũng dặn đi dặn lại rằng, cuộc nói chuyện này là… "bí mật quốc gia", bà H. không được kể cho bất cứ ai. Nếu bà hợp tác tốt, sau này sẽ được tặng bằng khen và phần thưởng.

Trong quá trình nói chuyện với bà H., vị "cán bộ" còn vờ như quay sang bên cạnh hỏi "cấp trên" rằng trường hợp này xử lý thế nào? Người đàn ông đóng vai "cấp trên" trả lời rằng Viện kiểm sát đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp, sẽ thực hiện trong vòng một vài ngày tới. Nhưng nếu bà nhanh chóng chuyển khoản thì lệnh này sẽ được… rút lại!

Như ăn phải bùa mê thuốc lú, bà H. vội vã mang rút sạch các sổ tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng và gửi vào số tài khoản của các đối tượng. Thực hiện xong nhiệm vụ, bà H. gọi lại số điện thoại kia để thông báo thì bọn chúng đã tắt máy.

Một trường hợp khác, chị P.T.L (SN 1981, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng giả là Cảnh sát hình sự gọi đến dọa dẫm rồi lừa đảo.

Khoảng 14 giờ ngày 29-4-2019 chị L. nhận được cuộc điện thoại từ một số máy cố định, gọi vào máy di động thông báo rằng chị có khoản nợ tín dụng ngân hàng, phải thanh toán ngay vì đã quá hạn. Nhân viên xưng là trực tổng đài nói rằng, muốn giúp chị xử lý khoản nợ đó, nên sẽ nối máy cho chị gặp một cán bộ Công an.

Lệnh tạm giam do các đối tượng chế ra để dọa các bị hại.

Ít phút sau, có một giọng đàn ông nói tiếng Việt hơi lơ lớ xưng là Cảnh sát hình sự ở số 90 Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Hắn đề nghị chị L. tự tìm kiếm thông tin trên Google, để thấy "số điện thoại hiển thị trên màn hình (số 024.39396150 - PV) có đúng là số của cơ quan công an hay không?".

Khi chị L. thực hiện theo và thấy đúng như vậy, thì chị bắt đầu tin rằng, đây là... "cán bộ công an" thật (thực chất, đây chỉ đơn giản là dịch vụ để hiển thị số trên màn hình giống với số máy của cơ quan công an).

Sau khi lấy được lòng tin của người nghe, đối tượng giả danh nói rằng, chị L. đang có số nợ tín dụng ngân hàng là hơn 45 triệu đồng. Kẻ lừa đảo còn tỏ ra nghiêm trọng hơn khi cho biết, tài khoản của chị L. có liên quan tới một tổ chức buôn bán ma túy, ở vai trò "rửa tiền", với số tiền trị giá hơn... 6 tỉ đồng.

Người đó liên tục đe dọa chị L., nói rằng sẽ thực hiện lệnh bắt, khám xét nhà và nơi làm việc của chị L. Trong quá trình dọa dẫm, đối tượng giả danh công an còn dặn chị L. không được phép kể sự việc cho bất kỳ người thân nào, nếu không, họ sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí là bị ám sát...

Cuối cùng kẻ lừa đảo gửi thông tin tài khoản và yêu cầu chị L. phải chuyển tiền vào đó để kiểm tra.

"Chúng nói rằng đây là tài khoản ngân hàng bí mật của cơ quan công an, để kiểm tra số tiền có phải là "tiền bẩn" do phạm tội mà có hay không. Chúng bắt tôi phải gửi toàn bộ số tiền mà bản thân đang có, dọa rằng nếu chúng phát hiện ra tôi bớt lại khoản tiền nào thì khoản đó sẽ bị tịch thu vì không chứng minh được sự trong sạch.

Nhắc đến tiền tôi đã cảm thấy nghi ngờ, nhưng đối tượng liên tục mang gia đình của tôi ra đe dọa, gọi điện không ngừng, ép tôi phải nghe máy liên tục, khiến tôi sợ hãi mà làm theo", chị L. cho biết.

Sau đó chị vội vã mang gần 100 triệu đồng đến giao dịch tại chi nhánh ngân hàng ở phố Lạc Trung, gửi vào tài khoản do kẻ lừa đảo cung cấp. Rất may cho chị khi các đối tượng chưa kịp lấy đi thì chị L. kể với bạn bè câu chuyện, và nhanh chóng gọi lên ngân hàng yêu cầu tạm dừng giao dịch đối với tài khoản kia.

Không chỉ ở Hà Nội mà nhóm tội phạm gọi điện thoại giả danh còn hoành hành ở rất nhiều tỉnh, thành phố khác. Đơn cử như tháng 3-2018 anh Trần Hữu M. (trú tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP HCM) bị đối tượng giọng miền Bắc gọi đến dọa nạt, buộc anh chuyển tổng cộng 4,5 tỷ đồng vào hai số tài khoản người này đưa. Tuy nhiên, anh chờ mãi không thấy "cảnh sát" trả lại tiền, liên hệ cũng không được.

Một đối tượng trong đường dây giả danh Công an gọi điện thoại lừa đảo bị bắt giữ.

Bà P.T.K.L. (trú tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) nhận được điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên bưu điện thông báo bưu kiện gửi đi nước ngoài có chứa đồ bất hợp pháp, bà chứng minh sự trong sạch bằng cách bà tự mở một tài khoản tại ngân hàng S., có đăng ký sử dụng dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại 01206416xxx do người này cung cấp và sau đó chuyển toàn bộ số tiền bà đang có để được giám định nguồn gốc tiền.

Tin lời, bà L. chuyển hơn 5 tỷ đồng vào tài khoản mới mở và bị băng nhóm lừa đảo rút ra chiếm đoạt hết.

Bên cạnh chiêu trò gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo, thì thời gian gần đây nhóm đối tượng giả danh còn giả làm người quen lâu ngày không gặp, sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe công việc, cuộc sống các đối tượng thông báo với người bị hại là có người quen ở công ty xổ số cho số để đánh lô, đánh đề và cam đoan sẽ "trúng 100%".

Các đối tượng hoặc sẽ đề nghị bị hại chuyển tiền để cho chúng đánh hộ, hoặc chờ có cặp số nào trúng sẽ gọi điện lại người chơi để đòi tiền ăn chia, đồng thời dụ chuyển tiền cho chúng đánh để ăn to hơn, cuối cùng chiếm đoạt.

Kẽ hở bắt đầu từ thông tin cá nhân bị hại

Theo cơ quan công an, tội phạm sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây luôn có sự câu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước.

Nếu như tội phạm giả trai Tây kết bạn, gửi quà lừa đảo chủ yếu là do các đối tượng có xuất xứ từ châu Phi như Nigieria,… cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam, thì tội phạm lừa đảo qua điện thoại gần đây được phát hiện thường là nhóm người Đài Loan, Trung Quốc.

Các đối tượng đã có một kịch bản hoàn hảo, dường như chúng tập với nhau không ít lần để đến khi gặp con mồi là thực hiện cực kỳ trơn tru. Chúng khiến cho bị hại lạc vào "mê hồn trận" không thể thoát ra. Chỉ sau khi đã chuyển hết tiền thì bị hại mới giật mình phát hiện.

Nhóm đối tượng người Trung Quốc và Việt Nam trong đường dây giả danh công an
gọi điện thoại lừa đảo bị cơ quan Công an bắt giữ.

Điểm đầu tiên trong kịch bản của nhóm này là chúng đã có khá nhiều thông tin về bị hại để khi bị hại bắt máy, chúng luôn dùng bài "đánh phủ đầu", hỏi giọng đe dọa, và đọc vanh vách địa chỉ, số CMND… khiến cho các bị hại choáng váng, mất bình tĩnh và răm rắp làm theo lời chúng.

Thêm nữa, nếu như trước kia các đối tượng thường bắt bị hại chuyển tiền vào tài khoản đã có - để rồi chiếm đoạt thì nay, bọn chúng đã thay đổi cách thức. Chúng yêu cầu bị hại dùng CMND tự lập một tài khoản ngân hàng, mang tên của bị hại luôn, song riêng số điện thoại liên hệ thì lại phải do chúng cung cấp.

Với thủ đoạn này, bị hại cứ tưởng rằng tiền vẫn chuyển vào tài khoản "của mình"; mà thực chất khi có tiền trong tài khoản này, đối tượng lập tức lập lệnh chuyển khoản, với mật khẩu OTP nhận được từ số điện thoại kia.

Tóm lại có thể thấy kịch bản mà nhóm tội phạm dạng này thực hiện phải do các đối tượng "lão luyện" về tâm lý tội phạm dàn dựng.

Từ cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn hút vào "mê hồn trận", rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến nạn nhân rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Thậm chí, nhiều bị hại sau khi gửi sạch tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với… cơ quan điều tra!

Và, không chỉ dừng lại ở các thủ đoạn giả trai Tây kết bạn gửi quà, hay gọi điện thoại giả danh… tội phạm công nghệ cao còn có hàng trăm thủ đoạn khác nhau để lừa gạt người dân.

Mới đây nhất, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) còn khám phá một ổ nhóm lừa đảo với thủ đoạn quái chiêu hơn. Bọn chúng thậm chí thuê cả hacker người nước ngoài để tham gia các phi vụ…

 
Cand.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu