Những lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua

19/02/2015 14:09

Sau Tết Nguyên đán, nhiều lễ hội được tổ chức khắp mọi miền đất nước, níu chân những vị khách hành hương.

Lễ hội chùa Hương: 6/1 âm lịch (Hà Nội)

TẾT Những Lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua
Lễ Hội chùa Hương tấp nập người vào. Ảnh: Internet.

Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội, khai hội ngày 6/1 âm lịch, thường kéo dài đến cuối tháng 3 âm lịch.

Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp xuân về, là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn…

Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nhiều khách tham quan lựa chọn đi thuyền trên dòng suối Yến, động Hương Tích,... Ngoài ra, bạn có thể đi cáp treo để ngắm phong cảnh tuyệt đẹp từ trên cao xuống.

Các địa điểm tham quan ở chùa Hương rất phong phú như: Bến Đục, bến Thiên Trù, suối Yến, chùa Thiên Trù, động Hương Tích. Sông nước, núi non, hang động kết hợp tạo thành bức tranh thiên nhiên mỹ miều thu hút nhiều khách du lịch đến với nơi đây.

Lễ hội Yên Tử: 10/1 âm lịch (Quảng Ninh)

TẾT Những Lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua
Chùa Đồng núi Yên Tử. Nguồn: Internet.

Lễ hội Yên Tử là lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch.

Tại lễ hội sẽ có nhiều hoạt động như: Nghi lễ truyền thống dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, các tiết mục nghệ thuật, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử,… đều diễn ra tấp nập.

Du lịch lễ hội Yên Tử, bạn có thể đi cáp treo dài trên 1,2km để ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng từ trên cao hoặc đi bộ hơn 6km với hơn nghìn bậc thang để cảm giác chinh phục thiên nhiên hùng vĩ. Dọc đường còn có một số điểm tham quan như Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc.

Lễ hội Lim: 13/1 âm lịch (Bắc Ninh)

TẾT Những Lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua
Hát quan họ ở hội Lim. Nguồn: Nld.com.vn

Chính hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

13/1 âm lịch, hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Trong ngày này, có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó có tục hát thờ hậu, nghi thức hát quan họ thờ thần. Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc với dân ca quan họ nổi tiếng. Các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bờ, dưới bến. Ngoài ra, có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm...

Đến với hội Lim, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình văn hóa hấp dẫn, đặc trưng của vùng Kinh Bắc xưa.

Lễ hội Đua Voi (Hội Voi): Tháng 3 âm lịch (Tây Nguyên)

TẾT Những Lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua
Hội đua voi. Nguồn: Internet.

Được tổ chức 2 năm 1 lần vào tháng 3 âm lịch ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lễ hội Đua Voi là một trong những lễ hội cổ truyền của người vùng cao Tây Nguyên.

Hội Voi chỉ diễn ra trong 1 ngày với các hoạt động như: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sêrêpốk, Voi đá bóng. Số lượng tham gia từ 15 – 18 con voi. Đồng bào Buôn Đôn mở Hội Đua Voi cùng với các lễ hội khác như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe cho Voi, Lễ Ăn Trâu mừng mùa (Lễ Đâm Trâu), Lễ cúng lúa mới (Lễ mừng mùa), Văn hóa cồng chiêng... để cầu mong cho sự bắt đầu của một mùa vụ mới tốt tươi, đạt năng suất cao, mang lại no ấm cho buôn làng.

Hội Đua Voi là sự kiện văn hóa lớn ở Tây Nguyên, tôn vinh tinh thần thượng võ của người M’Nông, những người dũng cảm, có truyền thống trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng.

Hội đền Hùng: 10/3 âm lịch (Phú Thọ)

TẾT Những Lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua
Hàng nghìn người đổ về lễ hội. Nguồn: Internet.

Hàng năm, đúng ngày 10/3 âm lịch, người dân khắp bốn phương đều hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương - Lâm Thao - Phú Thọ. Vậy nên người ta thường truyền tai nhau câu thơ: "Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3", như một cách để nhắc nhở con cháu ngàn đời sau nhớ tới ngày lễ trọng đại này.

Phần tế lễ được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng là “lễ tam sinh" để các vị chức sắc, bô lão, nhân dân và khách hành hương vào tế lễ trong đền thờ, tưởng niệm các vua Hùng. Quá trình tổ chức các hoạt động hội phong phú với một số hoạt động chính như: Hội thi gói, nấu bánh chương và giã bánh giầy, Liên hoan hát Xoan, hội thi bơi Chải, triển lãm, tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng…

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Lễ hội đền Hùng đã trở thành ngày hội chung của toàn dân tộc.

Hội Bà Chúa Xứ: Tháng 4 âm lịch (An Giang)

TẾT Những Lễ hội đầu năm độc đáo không thể bỏ qua
Ngày lễ chính của hội Bà Chúa Xứ. Nguồn: Internet.

Hội Bà Chúa Xứ diễn ra trong 3 ngày, từ 24 đến 26/4 âm lịch ở núi Sam, xã Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang, còn được gọi với cái tên lễ Vía Bà.

Ngày 26 âm lịch là ngày lễ chính, được cử hành vào 4 giờ sáng: Lễ tắm và thay xiêm y cho tượng Bà, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho người dân hay khách trẩy hội để cầu an, cầu phúc. Ngoài ra còn có các lễ khác như: Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế.

Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén... thu hút nhiều du khách.

Lễ Vía Bà hàng năm thu hút rất đông khách thập phương. Đến với lễ hội, chúng ta vừa được tham dự không gian văn hóa dân gian phong phú để xin cầu tài cầu lộc, đồng thời có dịp để du ngoạn, chiêm ngưỡng cảnh trí thiên nhiên ở An Giang.

Baodatviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020