"Ông lang" vô sinh chữa bệnh… vô sinh (Kỳ 5)

09/05/2012 14:29

Sau một hồi trò chuyện, ông giới thiệu: "Thuốc của tôi tốt lắm, uống vào rất hiệu nghiệm. Điều đặc biệt là thuốc uống vào không bị tác dụng phụ nên yên tâm cho sức khỏe".

Chữa bệnh không cần khám

Nghe tiếng ông chữa bệnh vô sinh đã từ lâu, nhưng mới đây "vợ chồng" tôi mới có dịp về thăm và nhờ ông… bốc thuốc để "kiếm con rồng vàng" Nhâm Thìn. Từ TP. Thái Bình về xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ, mất hơn 50 phút đi xe máy, chúng tôi hỏi vào nhà "ông lang" Thừa ở thôn L., ai cũng biết đó là một ông lang chuyên "quảng cáo" chữa bệnh vô sinh. Căn nhà ngói đã cũ nhưng mát mẻ, chỉ có 2 vợ chồng ông sinh sống. Tôi hỏi thăm và được biết ông bà chỉ có một cô con nuôi hơn 40 tuổi đã lấy chồng cách nhà ông 6-7km.

Sau một hồi trò chuyện, ông giới thiệu: "Thuốc của tôi tốt lắm, uống vào rất hiệu nghiệm. Điều đặc biệt là thuốc uống vào không bị tác dụng phụ nên yên tâm cho sức khỏe". Ông chỉ bắt mạch và hỏi chúng tôi đã cưới nhau được bao nhiêu năm? Đã khám chữa ở đâu chưa? Ngoài ra ông không cần biết thêm gì khác, thậm chí sau khi bắt mạch ông cũng không "phán" thêm mà cứ vậy bốc thuốc cho uống?

Từ cách chữa bệnh hết sức đơn giản nên loại thuốc chữa bệnh vô sinh của ông cũng rất… giản đơn. Sau khi hỏi thăm, ông đưa cho chúng tôi 2 túi thuốc (một túi dạng bột và 1 túi dạng viên, đều là thuốc uống) rồi dặn dò: "2 vợ chồng cùng uống, mỗi ngày uống 2 lần vào buổi trưa và tối, mỗi bữa 1 gói nhỏ và 10 viên". Loại thuốc bột của ông có màu trắng xám được chia làm nhiều gói nhỏ, thuốc viên theo ông cũng là loại thuốc Nam được hoàn tán rồi vo thành viên như viên bi, có màu đen. Ông bán cho chúng tôi 1 tuần thuốc với giá 300.000 đồng và hẹn 1 tuần sau quay lại lấy 1 tuần khác. Ông không cam kết "vợ tôi" sẽ có thai, nhưng ông nói với vẻ đáng tin cậy rằng: "Nếu người hợp thuốc thì 3 tháng hoặc 6 tháng sẽ có thai. Người nào "khó" hợp thì có thể phải uống thuốc 1 năm hoặc lâu hơn".

Đối với những vị lang vườn mà tôi gặp, có lẽ "ông lang" Thừa là người có cách chữa bệnh đơn giản nhất. Ông cho biết, ông hay đi chữa bệnh "lưu động", vì khi ông chữa cho một người thấy có kết quả, người này lại giới thiệu cho người khác rồi gọi ông đến chữa. Và hiện tại những bệnh mà ông thường chữa là vô sinh, ghẻ lở, nấm, hắc lào…

"Thầy lang" chữa vô sinh là… người vô sinh

Người dân thôn L. cho biết, "ông lang" Thừa bắt đầu hành nghề từ khoảng năm 1990, và vài năm sau thì ông bắt đầu chữa bệnh vô sinh. Tuy nhiên chưa bao giờ có ai thấy ông Thừa đi học bốc thuốc, vậy mà tiếng tăm của "ông lang" này lại vang sang cả các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương…

Ban đầu ông chỉ chữa một số bệnh cho trẻ con như: chảy máu cam, lở loét, hoa mắt chóng mặt… Một thời gian sau thấy ông quảng cáo có bài thuốc chữa vô sinh rất hiệu quả. Bệnh nhân tìm đến nhà ông Thừa không nhiều bởi ông thường vắng nhà để… chữa bệnh lưu động.

Ở đâu có bệnh nhân gọi điện hoặc nhắn tin là "ông lang" Thừa sẽ tự sắp xếp thời gian để đến chữa trị (nói đúng hơn chỉ là hỏi bệnh rồi bán thuốc). Điều ngạc nhiên ở chỗ mỗi khi đi, ông chỉ cần 1 cái túi xách nhỏ đựng mấy loại thuốc và quyển sổ ghi tên, địa chỉ, điện thoại và ngày hẹn đến bán thuốc cho bệnh nhân. Thế nhưng đến nơi, gặp ai có loại bệnh khác là ông sẵn sàng… bốc thuốc. Trước thắc mắc của người bệnh: "Không hiểu thầy luôn mang nhiều loại thuốc? Hay thầy chỉ có vài loại thuốc nhưng chữa... bách bệnh"?, "ông lang" Thừa chỉ trả lời ngắn gọn: "Bệnh này là phải uống thuốc đấy mới khỏi, cứ uống đi, 1 tuần sau biết ngay"?!

Không biết hiệu quả thực tế từ những gói thuốc của "ông lang" Thừa thế nào? Nhưng có điều ai nghe cũng không khỏi ngạc nhiên, đó là "ông lang" chữa bệnh vô sinh này lại chính là người… vô sinh! Tôi buột miệng hỏi ông: "Con nghe nói ông bà cũng không có con đẻ. Ông chữa cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh mà sao không chữa cho mình?". Ông không tỏ ra tức giận mà còn trả lời một cách rất hồn nhiên: "Chính vì tôi không có con nên tôi mới đi tìm phương thuốc chữa vô sinh để mang lại hạnh phúc cho người khác. Khi tôi tìm được thuốc chữa bệnh này thì vợ chồng tôi đã… già mất rồi"(?!)

Những kiểu chữa bệnh "quái dị" của các "ông lang", "bà lang" hành nghề không có giấy phép của cơ quan y tế có thẩm quyền, khả năng và hiệu quả chữa bệnh chưa được kiểm chứng nhưng vẫn tồn tại, và có rất nhiều bệnh nhân lại tin tưởng vào khả năng chữa bệnh kiểu “lang băm” này. Thực tế không ít trường hợp hành nghề trái phép, chữa bệnh của "lang băm" gây hậu quả chết người. Đã đến lúc Nhà nước cần có "Quy chế" để quản lý hoạt động của "giới lang băm".

Còn nữa...

PLXH