Tết giang hồ trên từng cây số (Kỳ 1)

08/02/2013 22:21

Tâm lý “no dồn đói góp” của nhiều người thể hiện rõ vào dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là trong giới giang hồ.

Từ dãy phòng trọ vùng “nhà không số, phố không tên” đến cơ ngơi khang trang của các kiểu ông trùm lớn nhỏ và thậm chí trên bục xi măng chưa đầy 4m2 trong trại giam, cũng rộn ràng đón Tết. Giang hồ lưu manh chuẩn bị Tết, ăn Tết và làm ăn trong dịp Tết ra sao? Lạ lùng, độc đáo đến mức có phần quái gở… Tết giang hồ là vậy!

“Nghỉ” Tết trễ, đón Tết sớm, thôi Tết muộn…

Câu đầu mỗi khi chúng ta gặp nhau ngày trước Tết: “Sao, Tết nhất tới đâu rồi?” chẳng có ý nghĩ gì với giới giang hồ lưu manh chủ trương được ngày nào, xào ngày nấy. Trước khi đưa ông Táo về trời, vỏn vẹn hai ngày, Tuấn Nghé - con cọp non dữ nhất vùng than Uông Bí vẫn vác súng đi nói chuyện phải quấy cho chủ là chị Hai. Tương tự, V. Thanh Hóa vẫn miệt mài mai phục trước cửa nhà một ông giám đốc công ty xây dựng để mong kết thúc hợp đồng đòi nợ thuê cho một đại gia chủ salon ô tô trên đường An Dương Vương, quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Khu vực đình Bình Thiền cũ ở Biên Hòa thì rộn rịp cắt bài, gọt lá dán cùng phơi phóng các bộ bầu cua cá cọp, chuẩn bị cho “vụ mùa giang hồ”. Khi được hỏi, tất thảy đều trả lời giống nhau: “Không có đạn (tiền bạc) thì Tết cái gì?”. Tất cả đều tăng công suất làm việc, nhất là bọn dặt dẹo tuổi kin kin.

Giang hồ là kiểu làm việc tối đa khiến tình hình xã hội giáp Tết hết sức bất an, nhưng nỗi khổ, chẳng ma nào trong giới giang hồ có khả năng để dành! Thành Đại Hàn, tay tổ nghề “ăn bay” ở khu vực quận 1, vừa “ăn” xong một cái giỏ xách, thu hoạch được vài chục triệu đồng. Gã lập tức mua một chiếc xe Nouvo 4 gọi là “dàn giá” ăn Tết. Mua thêm hai chiếc quần jean, bốn chiếc áo phông trong shop, đường hoàng mang cho cô vợ hờ hơn chục triệu, gã thơ thới được đúng… một ngày! Lủi vào sòng bạc ngay chân cầu Nguyễn Kiệu từ buổi trưa, đến chiều, Thành tất tểu ra ngoắc xe ôm về nhà trọ để hỏi tiền cô vợ hờ. Cô vợ chẳng những không đưa lại cho Thành xu nào mà còn quẳng vào mặt gã tờ giấy thu tiền nhà, điện nước đầu tháng! Đêm hôm đó, Thành đi cùng một gã bằng hữu mai phục ở chân cầu Nguyễn Tri Phương mong tìm hy vọng. Hy vọng đâu chẳng thấy, sáng hôm sau, cả hai tên đều đứng lăn tay chụp hình ngay bên trong trại tạm giam Quận 8 với bộ dạng tơi tả.

S. Bé, một giang hồ Quận 7, mãi đến trưa giao thừa vẫn chẳng có gì trên bàn thờ và trong bếp. Cám cảnh gà trống nuôi con, vài gã bạn giang hồ vác đến cho chiến hữu cặp bánh chưng, trái dưa hấu, thùng bia, thùng nước ngọt và một triệu đồng. Nhưng ngay lúc mấy gã kia mang quà Tết đến cho bạn, trong nhà S. Bé có thêm hai người lạ mặt với tác phong hệt phụ hồ. Hóa ra, đó là hai “thợ lột” thuộc vào hàng cao thủ của giới cờ bạc bịp Đồng Nai, họ đến với đề nghị hợp tác. S. Bé chỉ có việc lận dao lê đưa hai “thợ” đến các sòng bạc trên địa bàn Quận 4, Quận 7. Sau đó, hễ có chuyện thì S. Bé đảm trách việc đem hai “thợ” ra một cách an toàn dù phải đổ máu nếu như việc cờ bạc bịp của chúng bị lộ mánh.

Giang hồ đón Tết bằng cách mua thật nhiều khi vô mánh và bán thật rẻ, thật nhanh nếu như Tết rồi mà sập hầm do thua bạc. Với việc kiếm tiền bằng cách đảo xe đi vài vòng với châm ngôn “để hở thì rinh để kín thì rình”, tiền ăn Tết của chúng nằm trong giỏ của những người đi sắm Tết! Khi mùi Tết chỉ thoang thoảng từ đầu tháng Chạp, giang hồ các kiểu đã lao vào… ăn Tết! Ngày nào vô mánh, ngày đó Tết, lúc nào có tiền, lúc đó xuân! Giang hồ sống và ăn Tết đúng như vậy nên nghỉ Tết và đi “ăn hàng” vào dịp Tết cứ trộn lẫn vào nhau, khó phân biệt!

Đối với đa số người lương thiện, khi đi làm việc lại thì coi như hết Tết. Giang hồ thì khác, cứ còn tiền là còn Tết. Ngày Tết Nguyên tiêu với lễ hội chùa Bà - Bình Dương đông nườm nượp, đó là cơ hội vàng cho giang hồ lưu manh kiếm tiền tiếp tục cho việc ăn Tết…

Thú vui ngày Tết của giang hồ lưu manh

Cũng vẫn thịt mỡ, dưa hành, vẫn cặp bánh chưng, bánh tét, quả dưa hấu và nồi thịt kho trứng vịt hệt như mọi nhà, nhưng giang hồ hiện nay 90% đều chơi ma túy nên phải chuẩn bị “hàng” cho những ngày Tết khá đầy đủ. Lượng cung cấp hàng trắng (heroin), hàng ke (ketamine), kẹo (amphemetamine), pin (cần sa) thường ngày khá đầy đủ nhưng lắm con buôn rửng mỡ đi du lịch vào dịp Tết khiến mua bán có phần hẹp hơn, khan hiếm hơn. Thế mà mua dự trữ… khốn nỗi, ma túy nào có phải cơm gạo đâu mà phân ra để dành? Có nhiều chơi nhiều, có nhiều hơn vẫn chơi cho phỉ chí… Thế là vào dịp Tết, mức tiêu thụ ma túy của giang hồ tăng vọt, tỉ lệ thuận với nạn cướp giật trên đường phố vào những ngày cận Tết. Những cuộc tình tự phát, tự giác đến và đi nhanh như chớp quanh chiếc bình đập đá, mâm hít ke, pin… là một phần không thể thiếu của cái Tết giang hồ “leo núi” (chỉ có giang hồ nghiện ngập).

Nhậu nhẹt của giang hồ thì khỏi phải bàn. Đa số giang hồ đều có vợ xinh đẹp. Trai tứ chiếng, gái giang hồ… gã nào cũng có một vài cô vợ hờ và hàng chục nhân tình, nhân bánh khác có “nhiệm sở” là nhà hàng bia ôm hoặc mát xa, vũ trường. Những bữa nhậu hoành tráng bắt đầu từ cữ cà phê sáng rồi nhậu luôn cho đến khi “quý bà vợ” phải đi làm đồ gác tay cho quý ông cuối năm, kiếm tiền bo gửi về quê. Những cuộc nhậu gọi là tiệc Tất niên khá rôm rả. Tửu mà có sắc thì sao không hào hứng nên những buổi nhậu có các cô xinh đẹp, quậy bạo như thế cũng không thiếu những vị đạo mạo tử tế tham gia theo lời mời của chồng, cũng có khi của vợ, để đến ngắm và để thả dê vô tội vạ. Tất nhiên, chúng phải chừa ra bọn vợ của lũ anh chị mặt mũi rất đỗi Kinh Kha! Cái gì ăn là ăn, cúng là cúng… giang hồ dạy rồi, chớ quên!

Cờ bạc cũng là một phần không thể thiếu nếu không muốn nói là chiếm hầu hết quỹ thời gian gọi là ăn Tết của giang hồ. Quan niệm bỏ quá cho nhau vào dịp Tết, kể cả tâm lý của không ít các anh có trách nhiệm giữ gìn an ninh, khiến sòng bạc tràn lan ở các xóm phức tạp đa thành phần. Đầu xóm một sòng tiến lên, giữa xóm vài nhóm lắc bầu cua và cuối xóm thì sòng xì dách, bài cào nhiều không đếm xiết.

Tâm đĩ vừa rời khỏi sòng bạc bài cào vừa cố gắng nhồi nhét số tiền thắng bạc vào túi áo gió cáu bẩn. Đi ngang qua một nhóm thanh niên cùng xóm, tuy chẳng mấy thân gì, gã hồ hởi: “Nhậu!”. Sòng bạc vừa tan, sòng nhậu tụ ngay lập tức… Khúc phim quen thuộc lặp đi lặp lại ở xóm giang hồ Cầu Đá Quận 7, đến độ không có nó, cảm thấy “kỳ kỳ”.

Biến ngày Tết thành cơ hội “làm việc”

Trong khi đa phần giang hồ ăn Tết ra ăn Tết, kiếm tiền ăn Tết là chuyện trước đó thì lại có một loạt các phần giang hồ lưu manh khác, xem dịp Tết là những ngày thu hoạch.

Đầu tiên là cảnh “thợ lột”. Cả năm trời kiếm ăn trong lo âu, giới cờ bạc bịp xem trước Tết một tháng và sau Tết nếu có cơ hội thì làm ăn dài dài, thu hoạch càng nhiều càng ít.

Trước Tết, cả gia đình Tý Bụi Đời, từ già đến trẻ đều tất bật. Thậm chí đèn đuốc sáng choang, từ già đến trẻ đều ngồi gọt bài, điểm bài. Hàng thùng bài mới toanh được mua về khéo léo gỡ ra, thêm ít thủ thuật đánh dấu rồi đóng gói lại như cũ. Ngày hôm sau, các bộ bài lũ lượt rời nhà bỏ mối khắp những nơi hàng cùng ngõ hẻm mà Tý Bụi Đời cùng chiến hữu chọn làm “bãi săn nai”. Nghề của cả xóm chứ nào phải “chuyện của riêng ai”?

Ở một xóm khác vùng Bình Chánh thì cả xóm ngồi rắc mạt sắt vào hột bầu cua, dán lại, phơi phóng. Tất cả những bộ bầu cua cá cọp mua ở bất kỳ tiệm tạp hóa nào ở vùng hoạt động của bọn cờ bạc bịp, gặp nam châm trong tay áo của chúng đều phát huy tác dụng. Tóm lại, cỡ nào cũng dính trấu! Tất nhiên, như Hồng Xám tự khoe: “Làm một mùa Tết, sống huy hoàng cả năm!”.

Minh Đen quận 4 còn cho biết cụ thể hơn: “Năm ngoái, em chủ trường về mấy tỉnh miền Đông… sửa được căn nhà, mua được chiếc SH…”. Khi được hỏi về tung tích các thứ “hoạch tài”, gã cờ bạc bịp thành phần chợt buồn rầu cho biết: “Em đi vặt lông người ta, ở nhà mẹ em với con vợ mới lại đưa cổ cho cánh Tư Béo vặt trụi lại… Thế mới đểu!”.

Một tốp giang hồ khác sống huy hoàng cả năm chỉ nhờ vào dịp Tết là bọn hồ và ăn khai. Hồ, tiếng lóng chỉ bọn móc túi và ăn khai là bọn rạch giỏ xách. Trong tất cả các loại nghề giang hồ, chỉ có bọn này mới có việc “cha truyền con nối” hoặc có “tình nghĩa sư đồ”. Mỗi băng thường tổ chức theo gia đình, hoặc cùng xóm và đều có những bài bản khác nhau. Địa bàn cũng được chia theo một quy luật bất thành văn mà kẻ làm nhiệm vụ giữ gìn “giềng mối” luôn là tên giang hồ máu mặt nhất vùng.

Vùng Lăng Ông Bà Chiểu (TP. HCM) chẳng hạn, chẳng tên móc túi rạch giỏ nào không tìm đến anh Thái Salem, anh Tuấn Sốt Rét, bà Trùm Le Sở Thùng bỏ nhỏ vài câu sẽ biết điều. Vùng quận 1, khu vực chợ Bến Thành (TP. HCM) không biết tới bà Lai Cóc thì xin miễn vụ làm ăn ba ngày Tết.

Còn nữa...

Clip đang được xem nhiều nhất: Sau thông báo ly hôn chồng doanh nhân, Vũ Thu Phương hiện ra sao?