Khi đàn ông là nạn nhân của bạo hành gia đình (2)

12/01/2012 10:30

Ai cũng nghĩ nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ, song không hiếm vụ việc nạn nhân lại là những người đàn ông được xem là "trụ cột gia đình" và là người thành đạt, có địa vị xã hội…

Kỳ 2: Giáp mặt những bà vợ "vũ thê"

Đàn ông cũng là nạn nhân của bạo hành

Mặc dù tất bật với công việc, nhưng chiều nào anh Nguyễn Minh Tuấn, SN 1968, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội - hiện là giám đốc một Cty chuyên xuất nhập khẩu máy và thiết bị xây dựng cũng không quên nhiệm vụ đón cô con gái út đang học lớp 5. Hình ảnh người đàn ông thành đạt, biết dành thời gian chăm lo cho gia đình và vợ con như anh Tuấn có lẽ là niềm mơ ước của nhiều người phụ nữ. Thế nhưng, nếu ai biết được câu chuyện đang xảy ra trong gia đình anh mới thấy hãi hùng.

23 tuổi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế quốc dân, với tấm bằng giỏi, Tuấn dễ dàng được một Cty nhà nước nhận vào làm việc. Nhưng chỉ sau 3 năm, anh xin nghỉ rồi cùng đồng nghiệp góp vốn mở Cty riêng. Với sự thông minh và nhanh nhạy, anh điều hành Cty hoạt động trôi chảy và nhanh chóng tạo được thương hiệu trong ngành xây dựng. Ở tuổi 30, Tuấn là một doanh nhân thành đạt làm xiêu lòng biết bao cô gái trẻ. Trong số đó có chị Trần Thị Hương - thư ký cho một Cty là đối tác của Tuấn. Qua những lần tiếp xúc, ký kết hợp đồng, Hương tỏ ra là một cô gái thông minh, hoạt bát nên nhanh chóng chiếm được cảm tình của anh và sau đó hai người tiến tới hôn nhân.

Thời gian đầu họ sống rất hạnh phúc, nhưng kể từ khi Hương sinh đứa con gái thứ hai, nghỉ việc ở nhà thì sóng gió gia đình bắt đầu ập đến. Ban đầu, chỉ là sự càu nhàu của Hương về việc anh đi làm về muộn, tại sao không nghe điện thoại và sau đó là sự nghi ngờ anh có… bồ nhí. Mặc dù anh cố giải thích cho vợ hiểu công việc của mình nhưng tất cả đều bị Hương bỏ ngoài tai. Điều làm anh mệt mỏi nhất là sự quản lý của Hương thông qua những cuộc điện thoại hoặc có khi bất ngờ xuất hiện vào thời điểm không thích hợp. Có ngày, cứ cách 5 phút cô lại "khủng bố" anh bằng một cuộc điện thoại. Trong một lần anh đang tiếp khách, Hương bất ngờ xuất hiện la lối om xòm khi thấy Tuấn đang mời rượu một đối tác là nữ.

Chuyện ông Nguyễn Đình Khôi, SN 1939, trú tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM, bị vợ là bà Nguyễn Thị Quang, SN 1950 hành hung, đánh trọng thương phải đưa đi bệnh viện cấp cứu cũng là câu chuyện bi hài cho giới đàn ông. Sau gần 30 năm chung sống, ông Khôi và bà Quang có với nhau 4 mặt con và cả hai người đều có con riêng. Được xem là "trụ cột gia đình", ông Khôi hết lòng thương yêu, chăm lo cho vợ con. Nhưng những năm gần đây, bà Quang luôn có những hành vi bạo hành khiến ông luôn lo sợ. Cùng với việc chửi bới, bà còn dùng hung khí đánh ông. Đặc biệt, có lần bà còn lấy đòn gánh phang vào đầu, tạt nước sôi vào người chồng.

Nhận diện "vũ thê"

Nếu khi nhận xét về nguyên nhân người chồng bạo lực với vợ, đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng đó là do "bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam kinh nữ, thói gia trưởng của đàn ông, do địa vị của người phụ nữ thấp kém hơn so với người đàn ông..". Nhưng khi lý giải về hiện tượng "vũ thê", lý lẽ nói trên không thỏa đáng. Những bà vợ "ra đòn tay" với chồng thường là những người phụ nữ có thể lực hơn chồng. Trước khi có chồng, chị Hoa đã được bạn bè gọi là "võ sĩ", nhưng khi đang yêu, ở bên cạnh anh chàng nhỏ bé, thư sinh, Hoa vẫn thể hiện là cô gái dịu dàng nữ tính. Nhưng khi thành vợ thành chồng rồi, Hoa mới thực sự lộ nguyên hình một "vũ thê có hạng".

Chồng có lỗi, Hoa hắt cả bát canh vào mặt. Chồng về muộn, Hoa xông ra túm tóc, đập đầu chồng vào tường "hỏi tội". Chồng có cuộc điện thoại gọi khuya, Hoa lấy điện thoại và đập xuống đất. Nhiều lần đến cơ quan, chồng Hoa phải nói dối về vết thâm tím trên mặt, những vết răng cắn trên tay. Không ít lần Hoa dọa "xẻo", nếu phát hiện thấy dấu hiệu... không chung thủy. Thói nanh nọc, ác khẩu, coi thường lấn át chồng, thấy chồng hiền thì "xỏ chân lỗ mũi", được đằng chân, lân đằng đầu... cũng là nguyên nhân khiến một số chị em trở thành "vũ thê". So với anh chồng "khỏe như trâu vâm", thì chị Liên chỉ là "con nhái bén". Nhưng chị có lợi thế "võ mồm". Chồng chưa động đến người, chị đã bù lu bù loa kêu hàng xóm, khiến anh... im cho xong chuyện. Những câu nói móc, nói mỉa kiểu: "Nhìn chồng người ta mà thèm", "anh là đồ bất tài, có giỏi kiếm tiền nhiều về đây, sai bảo gì tôi cũng... chiều", "loại bố như anh, có cũng như không". Hễ vợ chồng có chuyện gì, chị Liên lại gọi anh em ruột mình đến đe dọa chồng hoặc đùng đùng khăn gói về nhà bố mẹ đẻ kể tội chồng.

Hàng xóm láng giềng đến can ngăn, chị xỉa xói vào mặt chồng bảo "cái đồ bị thịt", "cái lão tâm thần", "đồ bất lực"... thì nói làm gì cho phí lời. Lấy quyền làm vợ để tra khảo chồng đủ điều, bắt chồng nộp hết tiền cũng là cách quản chồng của một số "vũ thê". Những anh chồng bị vợ hành hạ thường là những anh có "chút sĩ" trong người, nên muốn cho êm cửa êm nhà, đành thực hiện phương châm "tránh voi chẳng xấu mặt nào". Họ đành mang tiếng sợ vợ. Nhưng các bà vợ lại được thể lấn át chồng. Ngoài ra, việc cậy của, cậy con, ỉ thế chồng... cũng là những nguyên nhân khiến những người chồng bị vợ hành hạ.

Bạo hành ngược hay nước mắt đàn ông

Theo các nhà xã hội học và các chuyên viên tâm lý, với xu hướng tìm kiếm để bổ sung cho những khiếm khuyết của bản thân, những người đàn ông hiền lành, kém linh hoạt thường chọn người bạn đời có cá tính mạnh mẽ, năng động, tháo vát. Trong đời sống chung với người nhu nhược, những phụ nữ quá mạnh mẽ có phần nổi loạn, sẽ dễ dàng bực bội và phát sinh mâu thuẫn. Về lâu dài biến thành những ẩn ức, có thể dẫn đến tình trạng khó kiềm chế được bản thân, và trở nên mất kiểm soát trong nhiều tình huống. Những người chồng an phận thường không "có chí làm quan có gan làm giàu", thu nhập thấp hơn vợ, thiếu khả năng và ý chí vực dậy nền kinh tế gia đình, không cáng đáng được chi phí nuôi các con ăn học, khiến vợ con chịu thua thiệt so với các nhà cùng mặt bằng giai tầng xã hội. Ngay cả những người chồng có trình độ và tay nghề cao, mang bản tính thật thà, cả nể vẫn có thể bị "lép vế" như thường, nếu trót cưới cô vợ cầm tinh sư tử.

Các vụ xung đột gia đình thường bắt đầu bằng cảm giác không hài lòng "cơm không lành canh không ngọt" và thái độ lạnh nhạt, coi thường của người phụ nữ, khi người chồng không biểu lộ cảm xúc và hành động đáng mặt nam nhi, không làm chủ được tình hình trong những tình huống cần thiết. Sự giao tiếp đôi bên bị phá vỡ: nhẹ thì người vợ cằn nhằn, trách móc, chê bai chồng, nặng thì tuyên bố "cấm vận", chiến tranh lạnh. Người chồng thoạt đầu chỉ nín nhịn cho nhà cửa "trong ấm ngoài êm", dần dần đánh mất vị thế người chủ gia đình và để bà nội tướng lấn lướt, bắt nạt. Mâu thuẫn tăng dần theo những trận "khẩu chiến" và người vợ sẵn sàng "dễ dàng, nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi" xỉ vả, xúc phạm chồng, bất chấp cảm xúc và tính sĩ diện cao ngút trời của người đàn ông. Sau mỗi lần như thế, nàng lại chủ động xin lỗi, vuốt ve tự ái của chồng, có khi nước mắt ngắn nước mắt dài rất tội nghiệp khiến người chồng "bỏ thì thương, vương thì tội". Mọi việc cứ thế đâu lại vào đấy. Nhiều quá hóa quen, người chồng từ bất ngờ chuyển thành bất lực trước những cơn tam bành của vợ. Sau đó nàng nhanh chóng chuyển sang giật tóc, cấu véo, tát, cắn, quăng mọi thứ đồ đạc vào mặt chồng, kể cả nước bọt,… Rồi dần dà lên "đô" theo kiểu đánh mãi quen tay, trở thành một "nữ võ sĩ" có đẳng cấp.

Nguy cơ bạo hành gia tăng khi người phụ nữ lăng mạ chồng trước mặt con cái, đe dọa đến mối quan hệ cha con, hoặc chẳng thèm kiềm chế thái độ hung hăng khi có mặt con cái, họ hàng thân tộc, người cùng cơ quan, hàng xóm láng giềng. "Bản lĩnh đàn ông thời nay" khiến các ông chồng lúc nào cũng phải tỏ ra cứng rắn, quân tử, dù bị vợ đánh cũng ít khi dám lên tiếng hay tìm sự giúp đỡ. Có anh sau khi "tỏ thái độ" phản kháng còn bị vợ xử lý nặng tay hơn. Tệ hại hơn nữa, người vợ kéo dài bi kịch gia đình bằng cách lôi kéo con cái đứng về phe mình, làm ngơ hoặc xúi giục những đứa trẻ tỏ thái độ bất kính, coi thường, hắt hủi chính cha đẻ mình. Điều này khiến người đàn ông mất dần tính tự tôn, sự tự tin và đến một lúc nào đó thực sự nghĩ rằng mình là một kẻ nhu nhược "bất tài vô dụng", "chẳng làm nên trò trống gì" và coi tất cả những việc tồi tệ này là do lỗi của mình.

(Còn nữa)

PL&XH