Mẹ bầu cần làm gì để hạn chế thai nhi bị dị tật?
Ngoài những yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý… thì sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người mẹ cũng được các chuyên gia khuyến cáo.
Bi kịch được báo trước
Thu Hoài ( Hoài Đức – Hà Nội) chết điếng người khi đứa con đầu lòng sinh non ở tháng thứ 8 lại bị sứt môi, hở hàm ếch và có 6 ngón tay trên một bàn tay. Đây là bi kịch đã được cảnh báo trước, nhưng do thờ ơ, bỏ ngoài tai nên cô phải trả giá.
Cậy mình khỏe, ít ốm đau nên khi mang bầu, Thu Hoài không kiêng cữ, giữ gìn. Cô vẫn ăn uống thất thường, đi chơi khuya, uống rượu, bia, cà phê và hút thuốc lá như trước.
Chứng kiến nàng dâu không ít lần ngật ngưỡng trở về, nôn thốc nôn tháo ra nhà, rồi lại đeo tai nghe lắc lư theo những điệu nhạc trong điện thoại… mẹ chồng Thu Hoài vô cùng lo lắng. Từng nhiều năm công tác ở Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, bà hiểu rõ những tác hại khôn lường của rượu bia, thuốc lá, chất kích thích đối với sức khỏe thai phụ và đứa bé trong bụng. Vậy nhưng, bà tỉ tê khuyên nhủ thế nào Thu Hoài cũng không từ bỏ được tật ham vui.
Chỉ cần bạn bè ới một câu là cô sẵn sàng đi chơi thâu đêm, rồi hôm sau giam mình trong phòng, ngủ vùi cả ngày, chẳng ăn uống gì. Cô tỏ thái độ khó chịu, quy kết mẹ chồng cổ hủ, lạc hậu, cái gì cũng nhắc phải kiêng và viện dẫn ra trường hợp người chị họ mang bầu vẫn “chơi hết mình” mà sinh con bụ bẫm, dễ nuôi, còn một số người khác “nâng như nâng trứng” thì con đẻ ra lại quặt quẹo, nay ốm mai đau.
Những “lý sự cùn” của Thu Hoài khiến mẹ chồng cô lắc đầu ngán ngẩm. Không muốn làm căng mọi chuyện vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý của con dâu, ảnh hưởng tới đứa cháu trong bụng, nhưng nhìn vẻ mặt nhợt nhạt và sự tăng cân ít ỏi của Thu Hoài, mẹ chồng cô vô cùng lo lắng.
|
Mẹ cần phải cần phải tìm hiểu kiến thức thai sản để tránh dị tật thai nhi (Ảnh minh họa) |
Những lúc đau đầu, chóng mặt, Thu Hoài ra hiệu thuốc, kể bệnh rồi mua vài liều thuốc tây về dùng, thấy đỡ lại thôi. Mẹ chồng cất công chế biến những món bổ dưỡng như thịt bò, thịt gà hầm, cháo cá… thì Thu Hoài không động đũa vì sợ “đẻ xong sẽ thành cái thùng phi di động”. Ba tháng đầu là giai đoạn thai nhi hình thành các bộ phận của cơ thể, Thu Hoài vẫn hồn nhiên tiếp xúc với những hóa chất độc hại vốn được xem là thủ phạm gây dị tật ở thai nhi.
Sử dụng dung dịch lau nhà, tẩy rửa bồn cầu, nhà vệ sinh, Thu Hoài không đeo khẩu trang, găng tay nên có lần sơ ý bị bắn vào mắt, vào người. Vốn là tín đồ làm đẹp, dù bụng mang dạ chửa, Thu Hoài vẫn nhuộm tóc, đắp móng tay, xịt nước hoa và trang điểm thường xuyên. Mang thai đến tháng thứ 7 rồi cô vẫn chệm chễ trên đôi giày cao gót và bộ váy thướt tha, yểu điệu. Kết cục sinh non là do cô bước hụt cầu thang, bị ngã dẫn đến vỡ ối…
Người mẹ có trách nhiệm rất lớn trong việc hạn chế thai nhi bị dị tật
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nên thực hiện việc khám tổng thể trước khi mang thai bởi sức khỏe của người mẹ có vai trò quyết định đối với sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt là những chị em sức khỏe yếu, đang mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, động kinh, cao huyết áp, thận, tim mạch…, cần điều trị triệt để hoặc nhờ sự tư vấn, kiểm soát của bác sĩ để có một thai kì an toàn.
Ngoài ra, nếu gia đình, họ hàng gần từng có trường hợp dị tật bẩm sinh hoặc mắc các bệnh về gen, thì cả hai vợ chồng cần đến cơ sở y tế làm các xét nghiệm để bác sĩ có hướng xử trí thích hợp trước khi có thai để thai nhi được phát triển khỏe mạnh nhất. Việc sử dụng thuốc trong thời gian mang thai cần hết sức thận trọng. Mọi loại thuốc thai phụ dùng đều phải được bác sĩ sản phụ hoa và chuyên khoa kê đơn và theo dõi cẩn thận. Kể cả các loại thuốc bổ cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ, không uống tùy tiện để tránh gây hại cho thai nhi.
Ngay từ khi “có tin vui”, mẹ bầu cần áp dụng ngay chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, vận động hợp lý. Thai phụ nên chọn những thực phẩm sạch, giàu giá trị dinh dưỡng, vitamin và chất sắt như: thịt gà, thịt bò, cá, đậu đen, tôm, trái cây…vv, cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo nguồn thức ăn phong phú, hạn chế sử dụng những thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn, thực phẩm nhiều chất béo. Tuyệt đối không bỏ bữa, ăn kiêng bởi thai nhi không hấp thụ đủ nguồn dinh dưỡng cần thiết sẽ phát triển kém, tổn thương trí tuệ…
Một dị tật bẩm sinh hoàn toàn có thể phòng tránh được là hội chứng thai nhi nhiễm rượu. Theo các nghiên cứu y khoa, bà bầu uống rượu trắng, rượu mạnh hoặc trên 4 cốc bia thì trong 100 bà bầu sinh con có khoảng 25 đến 30 người sinh con có tim dị tật.
Tác hại của rượu đối với thai nhi ở mức độ nhẹ có thể gây các vấn đề về trí tuệ và hành vi, nặng hơn có thể gây dị tật nghiêm trọng và gây chết non. Bởi vậy, bà bầu nên tránh hoàn toàn rượu và các thức uống chứa cồn. Bên cạnh đó cũng cần tránh hút thuốc (chủ động và thụ động).
Kết quả nghiên cứu của tổ chứ March and Dimes cho biết: nếu phụ nữ mang thai cách ly với thuốc lá thì tỉ lệ sảy thai sẽ giảm đi 5%, tỷ lệ sinh con nhẹ cân giảm 20%, tỷ lệ sinh non giảm 8%, tỷ lệ thai chết lưu giảm 11% và tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm 5%.
Các hóa chất từ lâu đã được xác định là nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vì vậy, để đảm bảo tương lai con trẻ, thai phụ nên tránh tối đa việc tiếp xúc với hóa chất, bao gồm cả hóa chất dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu làm việc trong môi trường buộc phải tiếp xúc với hóa chất như chất tẩy rửa vệ sinh, trong các xí nghiệp, nhà máy, bệnh viện thì thai phụ cần mặc bảo hộ lao động, đi găng tay, đeo khẩu trang, mặt nạ phòng độc và có hệ thống thông khí đảm bảo.
Để thai nhi phát triển khỏe mạnh, bà bầu cần giữ tâm trạng vui vẻ, lạc quan, ngủ đủ giấc, tránh xa môi trường ồn ào. Việc kiểm tra sức khỏe định kì chính là cách phát hiện kịp thời những bất thường của thai nhi để có biện pháp xử trí phù hợp.
Đặc biệt là những mốc quan trọng, không thể bỏ qua như: đo độ mờ da gáy (tuần thứ 11 đến 13), xét nghiệm sàng lọc Triple test (tuần thứ 14 đến 17), xét nghiệm công thức máu, thử nước tiểu và chích ngừa uốn ván (tuần thứ 30 đến 32), siêu âm màu theo dõi doppler động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra nước ối… để dự báo cân nặng của bé lúc sinh, phương pháp sinh thường hay mổ (tuần thứ 35, 36)…vv.
Việc khám thai không đơn thuần chỉ là siêu âm như quan niệm phiến diện của một bộ phận bà bầu. Để phòng tránh các tai biến trong sản khoa, thai phụ cần khám thai tổng quát ít nhất 3 lần ở thời kì: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. 3 tháng đầu nhằm xác định thai có thật hay không, thai nằm trong hay nằm ngoài tử cung, có bao nhiêu thai, thai có đang sống và phát triển bình thường không, cơ thể người mẹ có yếu tố nào đe dọa đến thai nhi không.
Ba tháng giữa khám để theo dõi sự phát triển của thai, kiểm tra nước ối, bánh nhau. Ba tháng cuối chủ yếu kiểm tra ngôi thai xem đã thuận chưa để có hướng chọn sinh phương pháp sinh phù hợp, dự đoán các bất trắc có thể xảy ra lúc trở dạ.
Sự hiểu biết, có trách nhiệm của người mẹ góp phần quan trọng trong việc phòng tránh nguy cơ dị tật bẩm sinh cho em bé. Bởi vậy, thai phụ đừng vì những lơ là, chủ quan để rồi khi hối hận thì đã muộn.
Xem thêm
Tin Sao
-
Nhận passport nghỉ dưỡng từ Lalago, Hen xác nhận bằng emoji?
-
Tình trẻ Diệp Lâm Anh có động thái muốn công khai mối quan hệ với chị đẹp
-
Ngọc Trinh gây choáng với dung mạo khác lạ hậu bị 'ném đá' vì ăn mặc hở hang
-
Sao Việt 13/4: Lý do con gái Phi Nhung làm lễ giỗ đơn giản cho mẹ; Ảnh chụp lén hé lộ cuộc sống vợ chồng son của Hoa hậu H'Hen Niê
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'