Người vợ tuyệt vời của một tử tù từng là bác sĩ vừa “ăn chả” vừa buôn ma túy

05/02/2013 16:24

Người đàn bà đứng cạnh chồng chị trong phiên tòa, vừa là đồng phạm, nhưng cũng vừa là người tình của chồng chị suốt hơn 2 năm trời.

Ngày chồng bước ra vành móng ngựa, vợ của Vũ Năng Sỹ mới bẽ bàng phát hiện ra sự thật rằng, người đàn bà đứng cạnh chồng chị trong phiên tòa, vừa là đồng phạm, nhưng cũng vừa là người tình của chồng chị suốt hơn 2 năm trời. Bị chồng phản bội, bị tội lỗi của chồng cản trở mọi thăng tiến trong sự nghiệp, nhưng trong suốt 6 năm qua, người phụ nữ ấy vẫn lặng lẽ đến trại tạm giam công an tỉnh Bắc Giang thăm chồng, chăm lo cho chồng mà chưa bao giờ nói một lời oán trách.

Cuộc tình dẫn tới tội lỗi của một bác sĩ với vợ con nghiện

Tử tù Vũ Năng Sỹ bị bắt từ năm 2006 và tuyên án tử hình từ năm 2007 là một trong những tử tù có thời gian cư trú dài nhất tại khu biệt giam tử tù ở trại giam kế (công an tỉnh Bắc Giang). Trong gần 6 năm ở trong phòng giam tử tù, Vũ Năng Sỹ đã chứng kiến không ít những người bạn tù của mình bị đưa ra pháp trường, chỉ có một mình Sỹ  đến bây giờ vẫn chấp chới, mong manh giữa gianh giới của sự sống và cái chết, giữa sự hi vọng, chờ đợi và sự thất vọng có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nếu như những tử tù khác thường trằn trọc mỗi đêm trong nỗi sợ hãi ngày mai tới và mình có thể bị thần chết gọi tên, thì Vũ Năng Sỹ lại hoàn toàn bình thản. Một ngày ấm áp cuối năm trong khu giam tử tù, người tử tù tri thức tâm sự với tôi: “Nếu có thể, xin nhà báo hãy viết cho tôi một dòng nguyện vọng trong bài viết của mình: Ngay từ đầu tôi đã xác định tội mình làm, mình phải chịu, tôi chỉ mong thời gian chờ đợi lệnh ân xá của mình sẽ sớm kết thúc. Dù là sống hay chết, thì sự kết thúc những ngày tháng đều đều trôi qua trong phòng biệt giam cũng sẽ khiến tôi cảm thấy hạnh phúc”.

Vũ Năng Sỹ có gương mặt bảnh bao, nước da trắng trẻo, hồng hào. 6 năm trong phòng giam tử tù, hầu như không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đáng lẽ đủ để làm cho mọi sức sống trong một con người tan biến, nhưng Vũ Năng Sỹ dường như vẫn giữ được “phong độ” như những ngày chưa vào tù với ánh mắt đắm đuối có thể khiến không ít phụ nữ đã trót nhìn vào đó xao lòng. Cuộc đời Sỹ có hai người đàn bà: một người là vợ Sỹ, mối tình đầu của Sỹ, người đã cùng Sỹ đi qua những năm tháng đầu đời lập nghiệp gian khổ nhưng hạnh phúc, đã ở bên Sỹ ngay cả khi khó khăn hoạn nạn, lúc sai lầm cũng như vấp ngã; một người khác là người tình của Sỹ - Nguyễn Thị Ngọc, giờ cũng đang ở trong khu giam tử tù của trại giam Kế. Hai người đàn bà đã gắn bó với Vũ Năng Sỹ, nhưng nếu như một người luôn đem lại hạnh phúc và sự cứu rỗi, thì người kia là sự hiện thân của những đam mê tội lỗi và sự trừng phạt đến tận cùng những sai lầm mà Sỹ đã trót mắc phải khi sa chân vào những đam mê sai lầm ấy.

Trước khi bị bắt, Vũ Năng Sỹ là bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Sỹ có vẻ ngoài bảnh bao cùng với bản lý lịch đẹp của một bác sỹ tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Nguyên. Dù chưa giàu có, nhưng với những gì mình có: tri thức, một nghề nghiệp cao quý và một gia đình hạnh phúc với vợ hiền đảm, con cái học hành giỏi giang. Vũ Năng Sỹ cũng là người được nể trọng ở cái phố huyện nhỏ gia đình Sỹ sinh sống. Nhưng Sỹ tự mình đạp bỏ tất cả những điều đó, chỉ vì không cưỡng lại được những đam mê sắc dục trước một người đàn bà đẹp. Trong những năm công tác tại Trung tâm y tế huyện Phú Lương. Nguyễn Thị Ngọc, người đàn bà có hai con nhưng nhan sắc vẫn mặn mà, dáng người thanh thoát, cứ một thời gian lại đưa chồng xuống Trung tâm cai nghiện đã khiến bác sỹ Vũ Năng Sỹ chú ý.

Ngọc thường tâm sự với Sỹ về hoàn cảnh gia đình, về nỗi bất hạnh khi có người chồng nghiện ngập. Những lời tâm sự của người đàn bà đẹp nhưng bất hạnh khiến Sỹ thường xuyên giúp đỡ vợ chồng Ngọc tận tình hơn những học viên đang cai nghiện tại Trung tâm. Sỹ không biết rằng, Sỹ cũng đã lọt vào tầm ngắm của người đàn bà đó. Cuộc sống hôn nhân không thỏa mãn vì người chồng nghiện ngập, khi gặp bác sĩ ga lăng đẹp trai của Trung tâm cai nghiện Phú Lương, những khao khát đàn bà trong Ngọc trỗi dậy mãnh liệt. Kẻ có tình, người có ý, Vũ Năng Sỹ và Nguyễn Thị Ngọc đã lao vào một cuộc tình đam mê và tội lỗi. Điểm hẹn của đôi tình nhân là  một nhà nghỉ trên thành phố Thái Nguyên. Cuộc tình vụng trộm của Sỹ và Ngọc kéo dài hơn 2 năm, cho tới tận khi cả Sỹ và Ngọc bị bắt trong vụ án ma túy do công an tỉnh Bắc Giang bóc gỡ, mối quan hệ vụng trộm ấy mới kết thúc.

Có chồng nghiện ngập, nên trước khi trở thành nhân tình của Vũ Năng Sỹ, Ngọc đã không xa lạ gì với chuyện mua bán ma túy nhỏ lẻ. Khi gặp Sỹ, Ngọc đã khéo léo tìm cách lôi kéo Sỹ tận dụng những mối quan hệ quen biết do chính các con nghiện trong trung tâm cai nghiện giới thiệu để buôn to hơn. Để có tiền trang trải tình phí, để thoát khỏi cuộc sống chưa có của ăn của để, Sỹ đã nghe theo lời người tình, vi phạm lời thề của một người bác sỹ và trở thành người cầm đầu một đường dây ma túy chuyên đưa ma túy từ các tỉnh biên giới về Thái Nguyên, Bắc Giang bán kiếm lời. Điểm hẹn giao hàng của đôi tình nhân với các “bạn hàng” chính là ngôi nhà nghỉ ở thành phố Thái Nguyên mà Sỹ và Ngọc vẫn thường hẹn hò.

Điểm hẹn giao nhận ma túy của đôi tình nhân và các "bạn hàng" chính là ngôi nhà nghỉ ở thành phố Thái Nguyên (Ảnh minh họa)

Hạnh phúc của một nữ tử tù

Năm 2006, đường dây bị lộ, cả Vũ Năng Sỹ và Nguyễn Thị Ngọc đều sa lưới pháp luật. Đến tận lúc đó, vợ của Vũ Năng Sỹ - chị Hà (tên nhân vật đã được thay đổi) vẫn chưa hề hay biết về sự phản bội của chồng.

Ngày ra tòa, điều khiến Vũ Năng Sỹ sợ hãi nhất không phải là là đối diện với sự trừng phạt của pháp luật mà là đối diện với sự bẽ bàng, xấu hổ khi sự phản bội của mình được phơi bày trước mặt vợ. Trước khi phiên tòa diễn ra, chưa hết bàng hoàng khi biết chồng mình là một kẻ buôn ma túy, chị Hà lại phải chịu thêm một cú sốc khác khi phát hiện ra người phụ nữ đứng ngay cạnh chồng chị trước vành móng ngựa chính là nhân tình của chồng mình suốt hơn 2 năm trời. Sự đau đớn bẽ bàng vì thế mà nhân lên gấp đôi. Vũ Năng Sỹ nói, trong cả phiên tòa hôm đó và cả đến khi kết thúc phiên tòa, bị đưa lên xe thùng, anh vẫn không dám ngoái lại nhìn vợ và hai con, chỉ biết gục đầu ân hận.

Với vai trò là một trong những người cầm đầu đường dây buôn ma túy, Vũ Năng Sỹ bị tòa kết án tử hình. Suốt 6 năm bị giam trong phòng biệt giam, mỗi ngày trôi qua là một ngày anh thấm thía hơn tình yêu của vợ, là một ngày anh biết ơn hơn tấm lòng bao dung của người vợ hiền ở quê nhà, bao dung ngay cả khi đã bị anh phản bội. Suốt 6 năm, đều đặn 2 tháng một lần, vợ anh lại chắt chiu dành dụm từng đồng lương giáo viên ít ỏi của mình và một mình đi xe máy từ Thái Nguyên xuống Bắc Giang thăm chồng, bất kể ngày mưa hay nắng, gió rét. Chị vẫn chưa một lần trách móc anh về những lỗi lầm đã qua trong suốt những năm ấy và cũng chẳng bao giờ kể cho anh nghe về những đau đớn mà mẹ con anh phải chịu sau ngày anh bị bắt.

Anh phục vụ vợ hơn, yêu vợ hơn vì những điều tốt đẹp mà chị đã cố gắng dành cho anh trong suốt những tháng ngày anh mong manh giữa sự sống và cái chết, những ngày mà mỗi tối anh đi ngủ, anh đều không thể biết trước khi ngày mai bình minh tới, cuộc đời mình sẽ đi về đâu. Khi sống những ngày tồi tệ nhất trong đời mình, một ngày có 24 tiếng thì có 23 tiếng 45 phút bị cùm chân. Vũ Năng Sỹ mới nhận ra rằng, người phụ nữ mà anh yêu nhất và phải trân trọng, giữ gìn nhất không phải người phụ nữ đã cho anh những đam mê nhất, mà là người phụ nữ chia sẻ cùng anh những yêu thương gian khó từ thủa đầu đời.

Năm thứ 4 theo học tại Đại học Y Thái Nguyên, Sỹ thường xuyên phải thực tập nghề tại bệnh viện. Một đêm có một cậu sinh viên trường Đại học sư phạm Thái Nguyên phải vào bệnh viện cấp cứu. Cùng cảnh xa nhà với nhau, các cô bạn cùng lớp cậu sinh viên ấy tối nào cũng rủ nhau vào bệnh viện thăm bạn. Vũ Năng Sỹ - chàng sinh viên Y thực tập tại bệnh viện đã tìm thấy vợ mình trong nhóm nữ sinh sư phạm ấy.

Ở trường Đại học Y Thái Nguyên ngày đó, Vũ Năng Sỹ được xếp vào thành phần “hot boy”, tuy không cao to, nhưng gương mặt khôi ngô, nam tính. Nhưng sinh viên trường Y học hành vất vả, quanh năm suốt tháng quay cuồng với việc học và thực tập tại bệnh viện, thời gian ngủ còn không có, nên dù được không ít các cô gái theo đuổi suốt 4 năm đại học, anh cũng chưa từng nghĩ tới chuyện yêu đương cho tới khi gặp vợ. Anh kể: “Ngày đó trong nhóm mấy cô sinh viên tới bệnh viện, vợ tôi là cô gái kém sắc nhất. Nhưng có điều gì đó ở cô ấy rất thu hút tôi. Chúng tôi yêu nhau sau một thời gian ngắn và đều là mối tình đầu của nhau”.

Ra trường, chị về dạy ở một xã vùng cao của huyện Phú Lương - Thái Nguyên, trong khi anh vẫn đang miệt mài đèn sách. Sự xa cách không làm mối tình sinh viên ấy tan vỡ. Mỗi khi được nghỉ học, Sỹ lại bắt xe lên huyện Phú Lương rồi đi bộ 40 km đường rừng vào nơi người yêu đang dạy học, đường xa, dốc cao, mệt thì mệt thật, nhưng anh vẫn thấy vô cùng hạnh phúc. Một ngày đi bộ vào, một ngày đi bộ ra, một ngày ở chơi với người yêu, những lần gặp nhau ngắn ngủi, hiếm hoi ấy khiến cho mối tình của anh chị càng thêm bền chặt.

Tình yêu của Vũ Năng Sỹ không được bố mẹ anh ủng hộ. Bố mẹ anh không chê gì chị, chỉ không hài lòng khi thấy chị công tác ở một nơi quá xa xôi, hẻo lánh. Ông bà sợ con trai mình sẽ phải gánh thêm nhiều phần cực nhọc khi kết hôn với một cô giáo vùng sâu. Nhưng thời tuổi trẻ yêu đương say mê và không hề tính toán, Vũ Năng Sỹ chưa bao giờ nghĩ đến thiệt hơn. Ngay từ lúc mới yêu, anh đã quyết tâm lấy mối tình đầu của mình làm vợ. Bố là công nhân, mẹ là nông dân, nhà chẳng lấy gì làm khá giả khi có tới 8 anh chị em, lại không được bố mẹ ủng hộ chuyện hôn nhân, nên suốt mấy năm cuối học tại trường Y, Vũ Năng Sỹ đã tự nghĩ cách kiếm tiền cưới vợ. Cứ cuối tuần, anh lại lấy chè từ Thái Nguyên đi bán buôn ở các tỉnh khác.

Anh chị tổ chức đám cưới mà không có bố mẹ anh tham dự. Lúc đó anh vẫn đang là sinh viên năm cuối. Tiền cưới xin hoàn toàn là tiền anh tích cóp được từ những chuyến buôn cuối tuần mà có. Đám cưới chỉ có bạn bè hai bên tham dự. Cưới nhau xong anh lại về trường học tiếp, thỉnh thoảng có thời gian lên thăm vợ, anh chị sống nhờ ngay trong khu tập thể dành cho giáo viên của trường. Đến khi ra trường, thay vì về các bệnh viện lớn trong tỉnh, Sỹ xin về trung tâm y tế huyện Phú Lương và tình nguyện vào tăng cường ở xã vùng cao của huyện Phú Lương nơi vợ anh dạy học, quyết tâm xây dựng hạnh phúc cùng vợ mà chẳng mảy may tiếc nuối tương lai của mình bỏ lỡ. Anh tự đi vào rừng chặt gỗ, tự dựng nhà để hai vợ chồng kịp có một mái ấm trước khi cô con gái đầu lòng ra đời. Đến lúc lên chức bố, anh mới dám đưa vợ con về thăm bố mẹ ở quê. Bố mẹ anh không còn cách nào khác, buộc phải nhận con dâu và cháu nội.

Vợ chồng Vũ Năng Sỹ đã có những ngày tháng hôn nhân rất hạnh phúc. Thay bằng thái độ phản đối ban đầu, cha mẹ anh ngày càng yêu quí con dâu. Vũ Năng Sỹ kể: vợ anh nghiêm khắc, không lãng mạn, nhưng thẳng tính và chân thành. Sự chân thành đó đã chinh phục cha mẹ anh. Anh cũng vô cùng mãn nguyện với cuộc hôn nhân của mình, mãn nguyện khi gia đình mình lúc nào cũng yên ấm, con cái học hành giỏi giang nhờ có sự chu đáo, toàn tâm toàn ý của vợ.

Những tưởng khi vợ chồng được chuyển công tác về trung tâm huyện, điều kiện sống tốt hơn, kinh tế khá giả hơn thì cuộc sống cũng hạnh phúc hơn. Nhưng đến lúc có tiền để xây căn nhà khang trang giữa phố huyện, cũng là lúc anh mắc sai lầm. Anh mắc vào lưới tình của người đàn bà đẹp xứ Hà Quảng và từ chuyện ân ái anh bị rủ đi buôn ma túy lúc nào chẳng hay. Tiền bạc và ái tình đã khiến một bác sỹ học hành đầy đủ, lại thừa hiểu biết về tác hại của ma túy như anh đã trượt dốc không phanh. Anh bị bắt khi cô con gái đầu lòng của anh vừa thi đỗ vào trường chuyên tỉnh, cậu con trai út mới đang học cấp 1.

Anh bị bắt khi cô con gái đầu lòng của anh vừa thi đỗ vào trường chuyên tỉnh, cậu con trai út mới đang học cấp 1.

Rất nhiều người đều đinh ninh rằng, khi Vũ Năng Sỹ bị tuyên án tử hình, vợ anh sẽ nhanh chóng rời bỏ anh. Chẳng có lí do gì khiến chị phải chung thủy với người đàn ông vừa phản bội vợ, vừa đang ở bước đường cùng vì ma túy như anh. Nhưng vì tình yêu, vì nghĩa vợ chồng gần 20 năm, chị vẫn kiên trì đi bên anh, kiên trì yêu thương anh, kiên trì làm trọn vai trò của một người vợ hiền với anh mà chẳng chờ đợi bất cứ sự báo đáp nào từ anh.

Anh bị tuyên án tử hình đúng lúc chị đang là một trong những cán bộ nguồn được lựa chọn vào vị trí Phó Hiệu Trưởng trường nơi chị đang công tác, nhưng sau bản án dành cho anh, cơ hội ấy đã đi qua. Con cái anh đi tới trường học bị bạn bè xì xào, bàn tán, con gái lớn của anh đến tuổi yêu đương cũng bị cái tiếng “con tử tù” cản trở hạnh phúc. Câu chuyện về gia đình anh, về việc anh và người tình đi buôn ma túy bị bắt một thời dài xôn xao làng trên xóm dưới. Nhưng mỗi lần tới thăm anh ở trại giam Kế, chị không bao giờ kể cho anh nghe những điều đó, cũng không bao giờ than vãn, oán trách. Anh chỉ biết nỗi đau ấy qua người thân trong gia đình đến thăm.

Lúc nào chị cũng động viên chồng giữ gìn sức khỏe để chờ cơ hội đến. 6 năm qua, anh nằm trong phòng biệt giam tử tù, nhiều tử tù của anh đã ra pháp trường, chỉ mình anh vẫn chưa trả lời được câu hỏi về hồi kết cho số phận mình ở hiện tại. 6 năm bằng 2000 ngày. 2000 ngày, anh bị cùm trong phòng biệt giam là 2000 ngày vợ anh gánh lấy toàn bộ gánh nặng gia đình, con cái lên vai. Khi bị bắt, anh chẳng để lại tài sản gì cho vợ, dù mang tiếng là “trùm ma túy”. Số tiền đó có lẽ đã phung phí cho những lần hẹn hò cùng người tình. Hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi học, vợ anh phải một mình cáng đáng. Nhưng vợ anh vẫn cố gắng chắt chiu, dành dụm mỗi tháng 7 - 800 ngàn để gửi cho anh bồi dưỡng thêm trong tù, để tiếp sức cho anh có thêm hy vọng dù chỉ rất mong manh.

Chờ đợi sự tái sinh

Vũ Năng Sỹ nói, chưa bao giờ trong suốt mấy năm bị biệt giam, anh biết nói lời xin lỗi với vợ về những chuyện đã qua. Từ xưa tới giờ, anh vốn chẳng biết nói những lời đó. Nhưng mỗi đêm nằm vắt tay lên trán suy nghĩ, anh thực sự biết ơn vợ từ tận đáy lòng. Biết ơn vì tình yêu, biết ơn vì sự vị tha mà anh đã nhận được từ chị. Anh còn nhớ mắt chị vốn bị cận nặng. Lúc ở nhà, chị chỉ đi xe máy loanh quanh trong huyện, còn mỗi lần phải đi xa hơn chục cây là anh phải đưa đi đón về. Vậy mà từ khi anh bị bắt, bị nhận bản án tử hình, hai tháng một lần, không bao giờ lỗi hẹn, chị đi xe máy cả trăm cây số sang đường Bắc Giang thăm chồng. Những tử tù khác thường bị xử bắn sau 1-2 năm tuyên án. Anh đã ở phòng biệt giam suốt 6 năm. Nhưng chị vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Vì chị đã không bỏ cuộc, nên dù có đôi lúc rất nản lòng, tuyệt vọng, anh cũng không cho phép mình bỏ cuộc. Có không ít người tò mò về cuộc sống gia đình anh, chờ đợi ngày vợ anh rời bỏ anh để đi tìm hạnh phúc riêng, nhưng dần dà qua năm tháng, họ cũng không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi nữa, vì họ chẳng thể kiên trì như cái cách mà vợ anh đã kiên trì trong tình yêu với chồng.

Dù đang là tử tù bị biệt giam, nhưng Vũ Năng Sỹ nói, anh vẫn có lí do để hạnh phúc mỗi sáng mai thức dậy. Hạnh phúc vì nghĩ đến người vợ chung thủy, tình nghĩa của mình; hạnh phúc khi nghĩ đến hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Dù có bố là tử tù, các con anh vẫn học hành ngoan ngoãn, vẫn được vợ anh dạy dỗ, bảo ban thành người. Cô con gái đang theo học sư phạm Thái Nguyên theo nghề mẹ và cậu con trai đang học trường chuyên tỉnh vừa đạt giải nhì cuộc thi toán trên mạng toàn quốc chính là niềm tự hào, là sự hãnh diện vô bờ đối với anh. Anh hạnh phúc vì dù ngày mai, có thể ngay cuộc nói chuyện này, anh sẽ phải nhận bản án cuối cùng dành cho mình, nhưng sẽ chỉ có mình anh chịu sự trừng phạt về lỗi lầm đã gây ra, còn con cái anh vẫn tiếp tục con đường đi đến thành công trong cuộc sống.

Câu tục ngữ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” không vận vào gia đình anh, là điều khiến anh thanh thản nhất khi nghĩ đến số phận của mình. Vũ Năng Sỹ kể, mỗi ngày ở trong tù, anh giết thời gian bằng cách đọc báo và chơi cờ với các tử tù ở các buồng giam bên cạnh. Mỗi người một bàn cờ riêng, ai đi nước nào thì hô thật to cho người ở phòng bên đánh dấu. Mỗi dịp Tết đến, những tử tù trong khu trại giam của anh lại nằm hát cho nhau nghe. Vũ Năng Sỹ cũng hát. Nhưng anh không bao giờ hát những bài hát về sự chia ly, về nỗi nhớ, vì anh sợ làm chính anh và những tử tù khác chạnh lòng. Anh hát về mùa xuân, về cây cối, về sự nảy lộc, đơm hoa, về tình yêu và hy vọng. Chẳng ai biết ngày mai sẽ thế nào. Những tử tù như anh càng chẳng dám mơ ước nhiều về ngày mai. Nhưng biết đâu ngày mai sẽ tới, và ngày mai sẽ là một mùa xuân mới, một cơ hội mới, dành cho sự tái sinh của một con người…

Bình Nguyên

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny