Tuyệt tác 24 bích họa trong nhà tang lễ độc đáo nhất Đông Nam Á
Từng được đánh giá bề thế bậc nhất khu vực Đông Nam Á, nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Quận 5, TP.HCM) chứa đựng những giá trị văn hoá chưa được khám phá hết.
Quá khứ lớn nhất Đông Nam Á
Anh Nguyễn Văn Tám, chuyên viên phòng Hành chính quản trị (HCQT) bệnh viện Nguyễn Tri Phương, người có thâm niên làm việc tại đây và trực tiếp thu thập thông tin về lịch sử bệnh viện cho biết, công trình nhà tang lễ được xây dựng vào năm 1960, hoàn thành sau 3 năm thi công, thay thế cho nhà xác cũ vốn nhỏ hẹp.
Điều đáng tiếc là sau giải phóng, tất cả giấy tờ lịch sử bệnh viện bị thất lạc nên những thông tin về vốn đầu tư, người thiết kế công trình cũng như nhóm thợ thi công không được tìm thấy. Tuy nhiên những người Việt gốc Hoa thuộc Hội Quảng Đông có công lập ra bệnh viện từ năm 1903 kể lại, công trình được thi công với số tiền rất lớn, thợ lành nghề từ Trung Quốc sang thiết kế, thi công. Nhà tang lễ do hội người Hoa Quảng Đông sống tại TP.HCM đóng góp xây dựng. Ý tưởng nảy ra từ nhóm người gồm các thương gia giàu có, muốn xây dựng nhà tang lễ quy mô lớn, “hoành tráng” thuộc hàng nhất nhì trong khu vực. Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho hay, vào thời điểm mới xây dựng, nhà tang lễ này lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á với diện tích sàn 3311m2, diện tích xây dựng 1815m2.
Cho đến nay, tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, vẫn khó có nhà tang lễ nào vừa mang nét cổ kính lại bề thế như vậy, lớn gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 7 lần nhiều nhà tang lễ trên địa bàn TP.HCM. Cổng xây theo lối kiến trúc tam quan, có tượng Quan Âm ở đỉnh. Vừa vào cổng, khách sẽ bắt gặp ngay bức tượng Địa tạng trong điển tích Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi bể khổ địa ngục. Công trình gồm 1 tầng, có thêm gác lửng. Tầng trệt là nơi tổ chức tang lễ với 17 phòng quàn (nơi đặt quan tài tổ chức phúng điếu). Có cả phòng quàn đơn và phòng kép, nằm đối diện thành hai dãy, mỗi phòng đều có hệ thống nhà vệ sinh, phòng hậu riêng biệt. Cuối dãy nhà là phòng đặc biệt quàn kín, có diện tích lớn nhất.
Dù được xây dựng từ những năm 1960 nhưng kiến trúc sư đã có tầm nhìn trong thiết kế xây dựng, có cả phòng lạnh dưới 0 độ C bảo quản thi thể, phòng lạnh để chuyển thi thể từ phòng “cực lạnh” ra chờ nhập quan. “Thi thể từ phòng 0 độ C chuyển ra đây chờ đặt vào quan tài khâm liệm, sau đó chuyển ra phòng quàn tổ chức tang lễ. Hệ thống giường bên trong các phòng lạnh đều được ốp gạch men, một số đã được thay thế bằng inox. Những người thiết kế tính toán rất kĩ lưỡng, khoa học”, anh Tám giới thiệu.
Công trình gây nhiều tranh cãi về mục đích sử dụng, là gác lửng nằm trên dãy phòng quàn bên trái. Những người công tác lâu năm ở bệnh viện Nguyễn Tri Phương như giám đốc Chiến, chuyên viên Tám nhận định, ban quản trị bệnh viện cũ thiết kế phần gác này dành cho người nhà đến tổ chức tang lễ ăn nghỉ? Hoặc có thể đây là căn tin? Hồi những năm 1993 - 2000, phần gác lửng được bệnh viện sử dụng làm nơi nuôi dưỡng những người già cuối cùng mà bệnh viện cưu mang. Trên cùng là sân thượng thoáng mát có dàn hoa, tượng phật. Ông Trần Văn Hoà, nguyên trưởng phòng QTKH bệnh viện cho hay,bệnh viện có tiền thân là bệnh xá Quảng Đông sau đó phát triển thành Y viện Quảng Đông, sau đổi thành bệnh viện Quảng Đông. Y viện Quảng Đông vốn được lập ra nhằm mục đích chữa trị miễn phí cho tất cả mọi người. Ngày trước để duy trì hoạt động của bệnh viện, những ông chủ người Hoa góp hụi cho vay, tiền lãi sử dụng làm kinh phí hoạt động. Từ khi được xây dựng đến nay, nhà tang lễ chưa từng phải sửa chữa bất cứ hạng mục nào.
Ảnh minh hoạ
Tuyệt tác 24 bức bích hoạ
Kiến trúc công trình này ẩn chứa nhiều giá trị sâu sắc. Ví dụ như hệ thống ống khói mang hình dáng cây tre. Ngày trước, nhờ hệ thống ống khói này, dù cả chục tang lễ diễn ra đồng thời vẫn không gây ngạt khói. Sau này ban quản lí nhà tang lễ vận động người dân bỏ dần phong tục đốt vàng mã, áo giấy gây lãng phí, thực hiện nếp sống văn minh.
Chi tiết mang đậm giá trị văn hoá nằm ở 24 bức bích hoạ trên tường nhà tang lễ. Bộ tranh có tên Nhị thập tứ hiếu, mỗi bức nói về một tấm gương, điển tích hiếu thảo như: Vua NguThuấn hiếu thảo với dì ghẻ, Hán Văn Đế sắc thuốc chăm sóc mẹ ốm đau, Đổng Vĩnh bán mình nuôi cha.... Danh thần triều Nguyễn, nhà thơ Lý Văn Phức (1785 - 1849) từng khái quát nội dung 24 tấm gương này thành bài thơ: “Người tai mắt đứng trong trời đất/ Ai là không cha mẹ sinh thành/ Gương treo đất nghĩa, trời kinh/ Ở sao cho xứng chút tình làm con/ Chữ Hiếu niệm cho tròn một tiết/ Thì suy ra trăm nết đều nên/ Chẳng xem thuở trước Thánh Hiền/ Thảo hai mươi bốn thơm nghìn muôn thu”.
Theo lời kể những bậc tiền bối, bộ tranh do người Hoa ở Chợ Lớn thực hiện, vẽ trực tiếp lên vải lụa gắn liền vào khối thạch cao trên tường nhà. Trải qua thời gian, phần lớn các bức tranh bị khói bụi bám vào, riêng cụm tranh tường gần cổng nhà tang lễ còn khá nguyên vẹn: “Trong thời gian được ban giám đốc giao nhiệm sưu tập tư liệu viết báo cáo, tôi có tìm hiểu về gốc tích bộ tranh tường nhưng không ai biết rõ. Những người lớn tuổi, am hiểu lịch sử bệnh viện đều đã qua đời”, chuyên viên Tám nuối tiếc.
Đã hơn nửa thế kỷ, nhưng cụm công trình vẫn mang tính khá toàn diện, đầy đủ từ phòng khám chữa bệnh đến nhà dưỡng lão, công viên dưỡng sinh, còn có cả... chùa phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng. Ngôi chùa có tên Đại Từ Liên Xã, xây dựng cùng lúc với bệnh viện, nằm ở khu vực 2 (bệnh viện chia làm 2 khu). Ngôi chùa rộng hơn trăm m2 toạ lạc tĩnh lặng giữa bầu không khí ồn ào. Mục đích lập chùa, theo tài liệu ghi chép, nhằm làm nơi người bệnh và thân nhân đến cầu nguyện, tạo điểm tựa tâm linh mà an tâm dưỡng bệnh. Mọi người tự do ra vào khấn nguyện nhưng không được đốt vàng mã.
Bệnh viện quán triệt cấm tất cả hoạt động mê tín dị đoan, buôn bán xung quanh chùa. “Chúng tôi luôn cố gắng vừa giữ lại ngôi chùa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh,nhưng không biến nơi này thành công trình tôn giáo đặc thù”, Giám đốc bệnh viện nói.
Sau thời gian giải phóng, chùa bỏ hoang nhiều năm liền. Có thời gian được khoa đông dược dùng nuôi thỏ, trồng cây thuốc. Mãi đến năm 1992, ngôi chùa mới được trùng tu nhờ công bác sĩ Phan Văn Báu dưới thời cố Bác sĩ, kĩ sư Nguyễn Minh Mẫn làm giám đốc.
Bác sĩ Báu đã đề xuất trùng tu chùa, đứng ra vận động quyên góp tiền bạc, trùng tu nên đàng hoàng, ấm cúng như hiện tại. Từ đó đến nay, các đời giám đốc bệnh viện đều duy trì hoạt động thiện nguyện tại chùa, tôn trọng văn hoá tín ngưỡng người xưa để lại. Nhiều bức tượng phật, bàn ghế trước đây bị thất lạc cũng được trả lại. “Chúng tôi luôn chủ trương gìn giữ nguyên vẹn các công trình xưa. Điều này góp phần bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá, đồng thời tạo ra nét đặc trưng của bệnh viện”, Bác sĩ Chiến nói.
Tin Sao
-
Cuộc sống của Song Joong Ki và vợ Tây bên hai con thực sự ra sao?
-
Sao Việt 21/4: Hồng Nhung tươi tắn trở lại sau thời gian điều trị ung thư; Vân Dung tiết lộ câu con trai hay hỏi khi mẹ đi diễn
-
Tình hình hiện tại của Hoa hậu Thùy Tiên qua lời một người bạn
-
Diễn viên Huỳnh Anh phải ngồi xe lăn, chuyện gì đây?
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu