Giáo dục đổi mới từ ngọn, khó đạt hiệu quả
Khi triết lý và chiến lược giáo dục chưa rõ ràng mà tiến hành đổi mới sách giáo khoa, thay đổi các kỳ thi,… thì rõ ràng là đang đổi mới từ phần ngọn.
Đổi mới có nghĩa là phải bỏ đi những gì đã cũ, thay vào cái mới. Còn khi nói đổi mới cơ bản và toàn diện thì phải chăng là tất cả những nội dung căn bản của nền giáo dục Việt Nam hiện nay đều đã lạc hậu đến mức phải thay thế bằng những cái mới?
Lỗi hệ thống
Vậy trước hết, phải xác định đâu là những vấn đề cơ bản? Thực chất, đó là các bộ phận chính hợp thành “cấu trúc vĩ mô” của nền giáo dục. Giống như một ngôi nhà kiên cố, dù ở đâu cũng phải có các phần cơ bản là: nền móng, cột trụ, tường vách và mái lợp.
Nền giáo dục của quốc gia nào cũng đều có cấu trúc theo mô hình phổ quát: tầng cao nhất là triết lý giáo dục để định hướng cho xây dựng chiến lược giáo dục. Khi có chiến lược đúng mới có cơ sở để chỉ đạo cho việc thiết kế nội dung và chương trình. Khi nội dung (sách giáo khoa) và chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của từng lứa tuổi thì mới có cơ sở để sáng tạo phương pháp dạy và học.
Bao trùm lên tất cả, phải có yếu tố đạo đức giáo dục để cân bằng giữa con người kiến thức và con người nhân văn. Đó là loại cấu trúc có logic chặt chẽ, không thể tùy ý đảo lộn vị trí, đừng đi tắt đón đầu. Dư luận xã hội từng đặt câu hỏi: Giáo dục Việt Nam có đang bị lỗi hệ thống hay không?
Có thể tìm câu trả lời ở các khía cạnh sau. Về triết lý giáo dục, nếu chỉ căn cứ vào nghị quyết của Đảng về giáo dục là không sai nhưng đó là mục tiêu đào tạo con người cho sự phát triển đất nước. Triết lý giáo dục phải bắt đầu từ con người - tức là đào tạo con người biết tư duy và hành động độc lập, có tố chất văn hóa dân tộc và hiện đại, có ý chí hướng đến và có khả năng trở thành công dân thế giới. Triết lý ấy không chấp nhận lối giáo dục nạp kiến thức - giống như cài đặt chương trình làm việc cho những cỗ máy.
Về chiến lược giáo dục, nghị quyết của Đảng đã xác định “giáo dục là quốc sách”. Tuy nhiên, khi thực hiện lại bỏ chế độ học không mất tiền thì hệ quả số người được học sẽ giảm, số người muốn học cao hơn cũng giảm. Điều này rất dễ hình dung: một gia đình người lao động tuy chưa nằm trong diện xóa đói giảm nghèo nhưng đang ở diện cận nghèo và thường phải vay mượn để đóng tiền học cho 2 con, nếu học phí tăng hoặc bỗng nhiên gia đình có người ốm đau, bệnh tật hay công việc làm ăn gặp lúc khó khăn thì chắc chắn một đứa con phải nghỉ học. Nếu gia đình đó có cố gắng cho 2 con học hết phổ thông thì cũng không đủ tiền cho cả hai vào đại học. Cụ thể hơn, niên khóa 2013-2014, toàn khu vực Tây Nam Bộ có 30.347 học sinh bỏ học với những lý do: nhà nghèo, nhà xa, học kém, phụ huynh không coi trọng việc học của con cái… (số liệu của cuộc họp giao ban do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long).
Nếu trong xã hội có tình trạng số người đi học giảm, thời gian đào tạo giảm cũng có nghĩa là mặt bằng dân trí không được nâng cao và chiến lược giáo dục không ngang tầm với “quốc sách”.
Không thể đi tắt
Khi triết lý và chiến lược giáo dục chưa rõ ràng mà tiến hành đổi mới sách giáo khoa, thay đổi các kỳ thi, không cho điểm hằng tháng, trang bị máy tính bảng… thì rõ ràng là đang làm từ phần ngọn, giống như xây nhà từ trên xuống khi chưa gia cố tốt phần nền móng. Không phải phụ huynh nào cũng phản ánh lên báo về nỗi lo của mình nhưng ai cũng băn khoăn: Nếu hằng tháng, thầy cô chỉ nhận xét về thái độ mà không cho điểm thì làm sao biết được kết quả học tập của con em mình để “gò” chúng vào bàn học, đến cuối học kỳ mới biết thì đã muộn.
Thực ra, ai cũng biết đặc điểm tâm sinh lý của trẻ vị thành niên là bản năng mạnh hơn lý trí. Vì thế, khi trẻ không sợ bị điểm xấu thì bản năng ham chơi lại càng mạnh hơn lý trí học tập. Việc thay đổi sách giáo khoa, thay đổi kỳ thi còn đang có rất nhiều ý kiến phản biện. Điều đó chứng tỏ chưa có sự đồng thuận của các nhà khoa học và của toàn xã hội do sự thay đổi khá đột ngột từ cực này sang cực khác… Vì vậy, nên chăng cần nhắc lại lời dặn của người xưa: dục tốc bất đạt?
Khi nào còn bệnh thành tích thì còn học sinh lớp 5, lớp 6 chưa biết đọc, biết viết. Khi nào còn dạy thêm học thêm tràn lan, còn quà biếu thầy cô, còn phong bì cho thành viên hội đồng chấm luận án, còn tình trạng “tính nhầm” hàng ngàn tỉ đồng tiền đóng thuế của nhân dân… thì sẽ không còn tôn sư trọng đạo. Công cuộc đổi mới giáo dục vì thế khó mà đạt được “cơ bản và toàn diện”, bởi nó sẽ giống như chiếc máy tính cũ - khó mà tương thích với một chương trình lạ.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và chính sách quốc gia, Trường ĐH KHXH-NV TP HCM)
Tin Sao
- Ngân 98 tố bố đẻ chiếm 1 tỷ đồng, cấu kết cùng mẹ Lương Bằng Quang hãm hại mình
- Hoa hậu Quế Anh bị chỉ trích vì tranh đọc tên với NSND Đào Bá Sơn, sự thật thế nào?
- Lệ Quyên bày tỏ quan điểm khi yêu: 'Nếu đã chia tay, sau 1 tiếng có thể yêu người khác'
- Trúc Nhân - Trấn Thành lại đụng độ, nam đạo diễn nghìn tỷ bị soi có thái độ lạ trước tin đồn cạch mặt
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny