Khi đàn ông là nạn nhân của bạo hành gia đình (3)

12/01/2012 10:37

Nói đến nạn bạo hành gia đình mà chỉ nói đến việc chồng bạo lực với vợ, mà quên rằng những ông chồng cũng là nạn nhân thì chưa thật "thấu lý đạt tình".

Kỳ 3: Nỗi đau này biết… "thổ" cùng ai

Việc cho rằng đa số phụ nữ bị bạo lực, còn đàn ông ít "bị" hơn cũng mới chỉ là cách nhìn nhận, đánh giá chưa có căn cứ nào được cho là thỏa đáng...

Sợ như vợ người Mỹ

Kết quả một cuộc thăm dò 8.000 cặp vợ chồng người Mỹ trong vòng 10 năm (1975-1985): có 12,4% xô xát trong gia đình là do vợ tấn công chồng, so với 12,2% là do chồng tấn công vợ. Có nghĩa là, tỷ lệ phụ nữ tấn công nam giới ngang ngửa với tỷ lệ đàn ông giở trò vũ phu với vợ. Một nghiên cứu khác trong giai đoạn 1985-1994, cho biết con số phụ nữ bị bắt vì sử dụng bạo lực tăng 90%, trong khi đó con số đàn ông vi phạm tăng 43%. Ở Việt Nam, Bộ Công an cho biết: cả nước cứ khoảng 2 - 3 ngày có 1 người bị giết liên quan đến bạo hành gia đình, 80% nạn nhân là nữ, số nạn nhân còn lại là đàn ông. Trong năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến bạo hành gia đình (151/1113 vụ, trong đó 39 vụ chồng giết vợ, 16 vụ vợ giết chồng). Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2006, tỉ lệ này là 30,5% (26/77 vụ). Đã có nhiều cuốn sách viết về bạo lực gia đình, nhưng nội dung sách lại xoay quanh việc chống bạo lực với vợ. Nhiều hội thảo với chủ đề "Bạo lực gia đình", nhiều dự án mang tên "Phòng chống bạo lực gia đình", nhưng các vấn đề đưa ra thảo luận, các hoạt động tuyên truyền, can thiệp... đều nhằm bênh vực phụ nữ. Điều này không sai, và hết sức cần thiết, nhưng chưa đầy đủ…

Ảnh minh họa

Bị vợ hành, kêu có ai bênh?

Phụ nữ bị bạo lực không dám nói ra vì nghĩ rằng "xấu chàng hổ ai". Nhưng đàn ông bị vợ hành hạ không dám nói ra vì thấy tự hổ thẹn. Gia đình, bạn bè, anh em, hàng xóm khi thấy một người đàn ông bị vợ bạo lực, thường bảo: "Cái loại đàn ông sợ vợ, để nó đè đầu cưỡi cổ, hay lắm đấy mà còn... khoe". Không ít đàn ông khi nghe người đàn ông khác kể rằng mình bị bạo lực thì tỏ thái độ bất bình rằng: "Ông ngu thì cho chết, phải tay tôi thì...". Vậy nên sẽ thật khó mà tìm được anh nào dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi bản thân. Cũng chính vì vậy, những cuộc điều tra, dù có bằng bảng hỏi giấu tên, cũng ít anh nào dám mạnh dạn viết rằng mình là nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong một khóa tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình do Viện Sức khỏe và Gia đình (RAFH) tổ chức tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, một vị chủ tịch Hội nông dân nói: "Nói thật, ngay tại địa phương tôi cũng có vô khối anh là nạn nhân bạo lực, nhưng biết kêu ai, ai bênh vực? Khi người phụ nữ bị chồng ngược đãi thì có đủ các cơ quan, đoàn thể, từ Hội phụ nữ đến Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, tổ hòa giải... vào cuộc. Nếu vụ việc lớn hơn, thì chính quyền, công an, báo chí... bênh vực. Còn đàn ông bị bạo lực, ai bênh vực?".

Ban đầu là tiêu tiền do mình làm ra, rồi dần dần vay mượn, thua lỗ, không có tiền liền về đòi tiền chồng. Nhiều lần anh Chiến không cho thì vợ anh trở mặt, nói anh ki bo, không đối xử tốt với vợ con. Rồi cực chẳng đã, cô ta mang dao ra dọa anh rằng, nếu anh không đưa tiền, cô sẽ giết. Chuyện có vẻ không giống như thật khi nói về người phụ nữ nhưng không hiếm những trường hợp như thế, bởi khi máu cờ bạc đã chảy trong người thì việc họ có thể làm cũng không ai có thể lường trước được. Vả lại, nơi chốn thành thị nhiều cám dỗ, con người có dừng lại được những việc mình đang làm? Có lần, anh khư khư không đưa chìa khóa đã bị cô ta nhảy bổ vào từ đằng sau, quát lớn và túm tóc anh, tát tới tấp. Hãi hùng, anh buộc phải làm theo lời bà vợ, vì sợ không đưa “mụ ta” sẽ lên cơn mà cấu xé anh. Nói ra với hàng xóm thì chỉ tổ họ cười chê, vả lại anh là đàn ông lại bị vợ đánh thì có hay ho gì. Nên anh Chiến đành "an phận". Ai bảo đàn ông không phải là nạn nhân của bạo hành gia đình? Bao nhiêu năm nay anh sống như thế, dưới trướng của vợ. Đi làm cặm cụi nuôi con ăn học, vợ anh thì chỉ biết lô đề, có bao giờ cho con một xu. Hễ con cái mở mồm ra xin là y rằng bị cô ta chửi cho té tát, bảo bố mày làm ra tiền, tao là đàn bà con gái, tiền kiếm đâu ra. Cuộc sống cứ thế trôi đi, nhiều người biết chuyện khuyên anh bỏ vợ nhưng anh không đành bởi tình nghĩa bao lâu nay anh còn giữ. Vả lại những lúc vợ anh không lô đề, tự hứa sẽ tu chỉnh, anh lại thấy thương người phụ nữ anh đã từng yêu thương biết bao nhiêu. Cuộc sống là thế, đôi lúc không phải việc gì muốn là làm được và cũng không phải việc gì không muốn cũng có thể nói từ "bỏ" là xong.

Vì đâu nên nỗi?

Người ta thường gọi phụ nữ là phái yếu, phái đẹp nhưng xem chừng kết quả của một vài công trình nghiên cứu đã đưa ra kết luận: bản năng bạo hành tồn tại ở cả hai giới. Trên thực tế, sự tàn nhẫn do hai giới gây ra không thua gì nhau. Nếu như người nam dễ thực hiện hành vi bạo hành vì sự nóng tính, thì bạo lực do phụ nữ gây ra thường có nguyên nhân phức tạp hơn. Xét về góc độ xã hội, tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, nhận định: Hành vi bạo hành cơ học của nữ giới đối với nam có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ngộ nhận về sức mạnh của bản thân, hoặc cũng có thể do việc không thể giải tỏa áp lực cuộc sống hằng ngày... Nhiều thập niên qua, xã hội đã không ngừng nỗ lực đấu tranh cho sự bình đẳng giới, "nam nữ bình quyền", góp phần quan trọng vào sự tiến bộ của nhân loại. Vấn đề bạo hành cần được nhìn nhận không nằm ở giới tính, mà ở con người. Bạo hành ngược trong đó vợ hành hạ chồng đủ kiểu là hoàn toàn trái với luân thường đạo lý, lỗi đạo làm vợ, điều này cần được xã hội lên án mạnh mẽ.

(Còn nữa)

PL&XH