Nữ giám đốc bị cáo buộc lừa đảo 88 người
Lương Thị Lan Phương (SN 1978, ở Sơn Tây, Hà Nội) đã đưa ra những thông tin gian dối, lợi dụng danh nghĩa hai công ty để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Lương Thị Lan Phương
Theo cáo trạng, năm 2006, Lương Thị Lan Phương làm việc cho một số công ty trong lĩnh vực đưa người đi du học, xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Quá trình làm việc, Phương có quen biết các mối quan hệ, biết được trình tự thủ tục để xin đi du học, xuất khẩu lao động. Do đó, người phụ nữ sinh năm 1978 nảy sinh ý định tách ra làm công ty riêng.
Năm 2012, Phương có quen biết với Lee Soo Hyun (SN 1965, quốc tịch Hàn Quốc). Từ lúc quen biết nhau, đôi bên thường xuyên trao đổi về vấn đề tuyển người lao động đi Hàn Quốc. 2 năm sau, họ thỏa thuận hợp tác thực hiện việc đưa người lao động đi Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, Lee đã không giúp Phương đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc được như hứa hẹn. Không lấy lại tiền từ Lee được, Phương phải đi vay mượn nhiều nơi để hoàn trả lại tiền cho người lao động.
Một năm sau, khoảng tháng 3/2015, Lee liên lạc, hứa hẹn, tiếp tục đề nghị Phương thực hiện đơn hàng xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Lee nói sẽ đối trừ với khoản thỏa thuận trước đây với Phương. Lee còn cho Phương xem “Hợp đồng nghiệp vụ phái cử người lao động” giữa Công ty Global Jeawoo.Ltd của Hàn Quốc với Công ty cổ phần Tainakasumu của Nhật Bản.
Do từng bị “thất tín” nên Phương đã nghi ngờ, đi tìm hiểu hợp đồng của Lee và thấy có nhiều điểm bất thường, không có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên, Phương đã nảy sinh ý định lợi dụng danh nghĩa của Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Hoàng Phát (Cty Hoàng Phát) nơi mà cô được giao quản lý phụ trách văn phòng tư vấn và tiếp nhận hồ sơ du học, đào tạo ngoại ngữ để thu tiền của người lao động.
Tài liệu điều tra thể hiện, Phương biết rõ Cty Hoàng Phát được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động với Cục quản lý lao động nước ngoài về việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản. Nhưng để có tiền, Phương đã gặp hai nhân viên của Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, đưa ra thông tin gian dối Cty Hoàng Phát chi nhánh Hà Nội có đơn hàng đưa người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, độ tuổi từ 20-45 tuổi trong thời hạn 3 năm với mức lương 2.500 USD/tháng, dự kiến thời gian xuất cảnh là tháng 7, tháng 8/2017.
Để Ban giám hiệu trường Trung cấp nghề Thái Nguyên tin tưởng, Phương báo cáo với cấp trên bản thân đã liên hệ được với Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên cung ứng người lao động cho công ty, đề nghị công ty ký hợp đồng liên kết với Trường. Do tin tưởng nhân viên nên sếp của cô ta đã ký hợp đồng số 62 liên kết cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Thái Nguyên.
Ngoài ra, Phương còn làm giả thông báo về việc thông báo tuyển lao động (tuyển tạo nguồn lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản) gửi qua thư điện tử cho anh Quách Đại Mạnh (tổ trưởng tổ tư vấn du học, Trường trung cấp nghề Thái Nguyên). Tin tưởng các thông tin Phương cung cấp, từ tháng 5/2015 đến tháng 10/2015, anh Mạnh và anh Đặng Tuấn Hùng (cán bộ trung tâm tư vấn du học của Trường Trung cấp Nghề Thái Nguyên) đã thu tiền và hồ sơ của 37 lao động chuyển cho Phương.
Đến hẹn nhưng không thấy người lao động được đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, anh Mạnh, anh Hùng cùng người nộp tiền nhiều lần yêu cầu Phương trả lại tiền. Để có tiền trả nợ, Phương lợi dụng danh nghĩa của Cty Sao Ánh Dương – Công ty mà Phương làm giám đốc để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động với thủ đoạn hứa hẹn lo giúp họ được đi du học, xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc…
Theo cáo trạng, Cty Sao Ánh Dương không có chức năng dịch vụ tư vấn du học và đưa người đi lao động nước ngoài. Tuy nhiên, Phương đã trực tiếp hoặc thông qua Lê Văn Sơn (SN 1975, ở Nghệ An) đưa ra thông tin gian dối công ty của mình có đơn hàng đi lao động tại Hàn Quốc. Phương thỏa thuận với ông Sơn nếu tìm được người lao động thì sẽ được Cty Sao Ánh Dương trích lại 500 USD/người. Do tin tưởng nên Sơn đã giới thiệu người quen đến gặp Phương. Sau đó, Phương mở lớp học tiếng Hàn Quốc đào tạo tại Cty Sao Ánh Dương và thu tiền của người lao động. Việc thu tiền, cô ta có lập phiếu biên nhận nhưng không đưa vào hệ thống sổ sách công ty.
Hết thời hạn cam kết, Phương vẫn không đưa được người đi xuất khẩu lao động, khất lần, trốn tránh việc trả tiền. Cơ quan chức năng xác định, trong 2 năm 2015 và 2016, Lương Thị Lan Phương đã chiếm đoạt của 88 người với tổng số tiền hơn 6,7 tỷ đồng. Đến nay, Phương mới trả được hơn 2,3 tỷ đồng, còn chiếm đoạt hơn 4,4 tỷ đồng.
Dự kiến, ngày 8/3 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa Lương Thị Lan Phương ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo trình tự sơ thẩm.
Xem thêm
Tin Sao
- Thực trạng đau lòng hiện tại của 200.000 diễn viên quần chúng ở phim trường Hoành Điếm: thiên đường cho kẻ lười biếng, thế giới của kẻ độc thân
- Puka lỡ hớ miệng lộ chi tiết bầu bí con đầu lòng?
- Nhã Phương và Trường Giang giấu kín số tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc, con số thật bao nhiêu?
- Đạt G bất ngờ về nhà sau 1 tháng đi làm xa, hai nhóc tì nhà Cindy Lư phản ứng cực yêu khiến dân mạng tan chảy
Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu