Khi đàn ông là nạn nhân của bạo hành gia đình (4)

12/01/2012 10:39

Khảo sát tại Canada, có 8% số phụ nữ bị chồng bạo hành nhưng cũng có tới 7% số đức lang quân bị vợ "ăn hiếp".

Kỳ 4: Bảo vệ “phái mạnh” trước những “vũ thê”

Đề cập đến vấn đề bạo hành, người ta thường nghĩ nạn nhân là phụ nữ "chân yếu tay mềm". Nhưng hiện đang xảy ra một sự thật cũng rất phổ biến trong đời sống gia đình, đó là ngày càng có nhiều người chồng bị vợ đánh đập.

Ảnh minh họa: internet

Tột cùng bi kịch của vấn nạn bạo hành ngược

Một người phụ nữ sống tại thành phố Guwahati, bang Assam (Ấn Độ) đã nhẫn tâm chém chồng chỉ vì chuyện cãi vã. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng cuối năm 2011 vẫn chưa được làm rõ, nhưng theo điều tra ban đầu, Minoti Rabha, một phụ nữ 37 tuổi đã vô cùng giận dữ và tấn công chồng là Dev Charan Bongjong, 40 tuổi bằng một con dao rựa, khiến cho nạn nhân chết ngay tại chỗ. "Con trai và con gái của họ đã chạy ra ngoài để nhờ hàng xóm giúp đỡ khi thấy mẹ tấn công bố"-  Nguồn tin cảnh sát cho biết. Tại đây, họ vô cùng kinh hãi, không ai dám vào can ngăn vì người phụ nữ đã đuổi theo họ với con dao dính máu lăm lăm trên tay. Minoti còn tiếp tục tấn công cảnh sát khi họ có mặt tại hiện trường và phải rất khó khăn mới có thể khống chế được cô ta. Vụ án đang được điều tra trong khi những người hàng xóm cho biết Minoti chưa từng có biểu hiện bất thường về tâm lý và giữa hai vợ chồng họ cũng không hề xảy ra mâu thuẫn trong thời gian gần đây.

Cuối tháng 9-2010, CATP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hấn, 41 tuổi, trú tại thôn Thạch Lựu, xã An Thái, huyện An Lão, TP Hải Phòng về hành vi giết người. Nạn nhân bị sát hại là anh Đào Văn Cỏn, 46 tuổi, chồng của bị can Hấn. Vụ việc xảy ra khoảng 4g sáng 26-9-2010, tại cửa hàng may kiêm bán tạp hóa của gia đình anh Cỏn. Nghe tiếng hô hoán của Hấn, mọi người chạy sang thấy anh Cỏn nằm chết trên giường, có nhiều vết thương nơi ổ bụng. Theo trình báo của Hấn, tối 25/9, hai vợ chồng đang ngủ thì bị một đối tượng lạ mặt đột nhập, Hấn bị xịt thuốc mê vào mặt nên bất tỉnh, đến khi trở dậy thấy chồng đã chết. Qua nghiên cứu hiện trường, các điều tra viên nhận thấy lời khai của Hấn có nhiều điều bất thường nên đã tập trung đấu tranh và Hấn đã phải thừa nhận chính mình là hung thủ đâm chết chồng.

Vợ chồng Hấn mở hiệu may quần áo và bán tạp hóa tại nhà, kinh tế không đến nỗi eo hẹp nếu như Hấn không quá đam mê trò đen đỏ. Con lớn học Cao đẳng Hàng Hải, đứa nhỏ đang học lớp 6 nên tiền chi tiêu hàng tháng cũng tốn kém, đã vài lần anh Cỏn khuyên Hấn bỏ cờ bạc nhưng Hấn không nghe. Thấy vậy, anh Cỏn không để Hấn giữ tiền nữa mà tự quản lý kinh tế khiến không khí gia đình luôn căng thẳng. Đêm 25-9, Hấn gây sự với chồng vì không lấy được tiền đi đánh bạc nên đợi chồng ngủ say trong chiếc chăn mỏng, bất ngờ cầm dao liên tiếp đâm chồng. Hậu quả, nạn nhân tử vong do thủng ổ bụng và mất nhiều máu. Từ lời khai của hung thủ, đến 16g ngày 26-9, CQCA đã tìm thấy con dao là tang vật gây án tại mương nước trước nhà.

Thêm những tổn thương…

Người đàn ông bị vợ áp chế thường bị tổn thương rất nặng cả về thể xác lẫn tinh thần, cả trong sinh hoạt, công việc và giao tiếp xã hội. Họ cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi bị vợ bạo hành. Sống với người vợ bạo hành, đàn ông muốn giải thoát cuộc hôn nhân cũng không dễ dàng gì. Bởi, thứ nhất là sợ mất sĩ diện, thứ hai là sợ mất con vì toà án thường xử chiều hướng có lợi cho phụ nữ. Ngoài ra, đàn ông bị vợ bạo hành thường có cá tính nhu nhược, sống lệ thuộc vợ, nhất là khoản kinh tế. Sự lệ thuộc tài chính dễ dẫn tới lệ thuộc về tinh thần.

Ảnh minh họa: internet

"Đồ đàn ông vô dụng" -  Đó là câu cửa miệng của H.T mỗi khi tức chồng. T.V, chồng H.T chỉ biết im lặng mỗi khi vợ đay nghiến, có người bảo anh là nhu nhược, anh chỉ im lặng quay đi. Thấy chồng nhân nhượng, H.T càng được thể. Những người trong gia đình vợ lúc đầu còn bênh anh. Chị gái vợ có lần còn xúi anh "Mày cứ tát nó một cái cho khỏi bù lu, bù loa", đứa em vợ quay sang khích bác lòng tự trọng của đàn ông trong anh và ngay cả mẹ vợ cũng chì chiết con gái mình. Nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ thế diễn ra, những lời xúc phạm ngày càng nhiều hơn. Lâu dần thành quen, mọi việc lớn nhỏ trong nhà, hai bên nội ngoại ra sao mọi người chỉ hỏi ý kiến của vợ anh và vợ anh tự quyết định mọi chuyện mà không quan tâm đến anh. Anh Nguyễn Văn N, quê ở miền trong ra Hà Nội lập nghiệp. Sau nhiều năm bươn chải nơi đất khách quê người, cuộc sống của anh là niềm mơ ước của nhiều người. Vợ đẹp, con ngoan, nếp tẻ đủ cả. Nhà cửa, xe máy, ô tô, không thiếu gì. Hơn nữa, anh còn là giám đốc một Cty xây dựng có uy tín. Nhưng "cuộc sống của tôi giờ như trong địa ngục, tôi thèm khát một ngày bình yên" -  anh N. tâm sự. Khi không còn kiếm được tiền, anh trở thành cái gai trong mắt những người xung quanh và với ngay cả người cùng anh đầu gối tay kề. "Gia đình vợ đã đành nhưng ngay cả vợ cũng coi thường mình. Đến 2 đứa con cũng bị mẹ chúng lôi kéo quay lưng lại với bố". Anh có tiền sử bệnh dạ dày, nhiều lần thuốc hết, tiền cũng không có, anh không dám bảo vợ đưa tiền cho con đi mua thuốc. Bởi, mỗi lần như thế, vợ anh thường chì chiết "đã không làm ra tiền lại còn suốt ngày thuốc với chả thang", kèm theo những lời nói nặng nề. Anh đành phải cắn răng chịu đau "để nhà cửa yên bình". Anh N nghẹn ngào kể lại: "Có lần tôi bị đau đúng lúc thằng bé ở nhà. Nó nhìn tôi rồi chạy mất. Lúc đó, tôi thấy cuộc sống thật vô nghĩa, đứa con trai, người duy nhất trong gia đình còn quan tâm tới tôi lại bỏ đi đúng lúc tôi đau yếu. Nhưng rồi, gần 1 tiếng sau nó quay lại và mang thuốc đến cho tôi. Hóa ra thằng bé đi vay bạn bè tiền để mua thuốc cho tôi. Tôi chỉ còn biết ôm con mà khóc…".

Ý kiến chuyên gia

Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ, BV Đức Giang, cả đàn ông và phụ nữ khi bị bạo hành đều không tránh được những tổn thương. Nhưng người đàn ông bị vợ áp chế thường bị tổn thương rất nặng cả về thể xác lẫn tinh thần, cả trong sinh hoạt, công việc và giao thiệp xã hội. Hầu hết các ông chồng bị bạo hành đều không dám lên tiếng, nhất là các trường hợp bị vợ bạo hành về thể xác. Hậu quả là đàn ông rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, buồn chán, trầm cảm, mất tự tin, cảm thấy bị bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi vợ bạo hành.

Theo Tạp chí Sophie Torrent, bạo hành gia đình cần phải có hai người, nó là hậu quả của một lực giao lưu phản hồi có qua có lại. Chính vì thế, khi bị vợ bạo hành, nhiều ông chồng nghĩ mình cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Tâm lý "sợ vợ mình chứ đâu phải sợ vợ người ta" cũng là một phép thắng lợi tinh thần giúp nhiều đàn ông sống qua ngày bên các bà vợ dữ tợn. Bởi, để bảo vệ nam giới thì trước nhất cánh đàn ông phải chứng tỏ được vị trí, vai trò trụ cột gia đình của mình, cần loại bỏ tâm lý tự ti, cả nể…

PL&XH